Non nước Việt Nam

Tham quan làng nghề đúc đồng trăm tuổi ở Khánh Hòa

Cập nhật: 25/11/2015 14:23:52
Số lần đọc: 6222
Là một trong những điểm du lịch Nha Trang được du khách khá quan tâm, làng nghề đúc đồng ở Diên Khánh – Khánh Hòa hiện là một trong số ít những làng nghề có tuổi thọ lâu đời nhất nước ta.

Nằm ngay tại thôn Phú Lộc Tây thuộc thị trấn Diên Khánh, cách Nha Trang chỉ 10 km, làng đúc đồng thoạt nhìn chỉ như một vùng quê yên bình hẻo lánh, nhưng bên trong lại luôn rộn ràng tấp nập tiếng cười nói, tiếng đúc đồng hay ánh lửa bập bùng ngày đêm soi sáng. Nơi đây tự hào là một trong số ít làng nghề được Vua Tự Đức chính thức sắc phong công nhận là làng nghề truyền thống, cùng những sản phẩm chất lượng tinh xảo. Trước đây, nghề đúc đồng ở làng chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ theo hộ gia đình, dần dần theo thời gian, nơi đây trở thành hợp tác xã lớn mạnh chuyên sản xuất các sản phẩm đúc bằng đồng như lư hương, chân đèn thờ cúng… Hiện nay, làng Phú Lộc Tây 1 có 60 hộ dân mưu sinh bằng nghề đúc đồng. Hiện cả làng có khoảng 80 thợ đúc đồng lành nghề, là lực lượng lao động chính để đúc ra những sản phẩm đồng tinh xảo, giá trị. Để trở thành một thợ đúc đồng lành nghề, ít nhất phải mất một vài năm. Hàng năm, đến ngày 12 và 13 tháng Giêng âm lịch là ngày giỗ Tổ nghề đúc đồng của làng.  

Có thể nói, linh hồn của một làng nghề chính là các nghệ nhân như ông Trần Lau, Trần Hải, Biện Phi Khanh, Trần Bỉ, Trần Vĩnh Thân, Huỳnh Quang Tuấn... Qua nghiên cứu kinh nghiệm của ông cha, các nghệ nhân trẻ đã dùng dầu thay than, xây lò nấu đồng và tạo vỏ khuôn để thuận lợi hơn trong việc đúc đồng.

 

Đến Phú Lộc Tây vào thời điểm này, nếu không biết, người ta sẽ tưởng là làng nghề gốm, bởi trong chiếc sân rộng của làng, các chàng trai học nghề đang làm các khuôn đúc bằng đất sét như đang làm gốm. Quy trình đúc đồng như sau: người thợ phải tạo khuôn mẫu bằng đất sét, sau đó làm cốt và mang khuôn đi nung với rơm, củi. Trong thời gian nung khuôn, người thợ thực hiện song song việc nấu đồng. Khi khuôn được nung chín thì đồng cũng vừa trong, thực hiện rót đồng ở nhiệt độ nóng chảy vào khuôn. Phải mất ít nhất từ 10 đến 12 giờ đồng hồ mới nấu được một mẻ đồng. Chỉ khi nào đồng trong thì người thợ mới thực hiện công đoạn rót vào khuôn. Bình quân một mẻ đồng từ 500 - 600kg đồng. Khuôn mẫu bằng đất sét được nung trong đống rơm. Một ổ khuôn đúc khoảng 100 bộ sản phẩm chân đèn và ít nhất phải nấu 3 mẻ đồng, tương đương khoảng 1,5 tấn đồng.

 

Một bộ sản phẩm chân đèn sau gia công ở làng đúc đồng Phú Lộc Tây 1 gồm: 2 cây đèn, 2 chiếc đài đựng nước, 1 lư cắm nhang và 1 cổ bồng đựng trái cây. Giá một bộ chân đèn lớn là 3,5 triệu đồng; bộ trung bình 2,5 triệu đồng và 1,5 triệu đồng đối với bộ nhỏ. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, giao dịch mua bán chân đèn ở làng đúc đồng Phú Lộc Tây 1 rất nhộn nhịp.

 

Tưởng chừng làng nghề đã có trên 100 tuổi nằm nép mình bên dòng sông Cái này sắp bị xoá sổ nhưng giờ đây, có một sự trỗi dậy thật kỳ lạ ở nơi này. Lớp nghệ nhân trẻ tuổi đang phát huy tinh hoa của thế hệ cha ông đi trước áp dụng phương pháp mới trong sản xuất để tạo ra sản phẩm không những giữ được dáng vẻ truyền thống, mà còn sắc sảo hơn. Sự hồi sinh của một làng nghề không những giải quyết được công ăn việc làm cho chính người dân địa phương, mà còn là một nét văn hoá làng quê độc đáo. Riêng với Phú Lộc Tây, đây còn là niềm tự hào của nhiều thế hệ quyết tâm giữ lại nét riêng của mình sau hơn một trăm năm./.

 

Nguồn: khanhhoa.gov.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT