Việt Nam và UNESCO ký kết Bản ghi nhớ giai đoạn 2016-2020
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo dự thảo Bản ghi nhớ đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua, UNESCO sẽ hỗ trợ Việt Nam đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục - đào tạo, tăng cường chuẩn bị nguồn nhân lực hướng tới phát triển bền vững để hội nhập quốc tế; mở rộng các hệ thống và cải thiện chính sách khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua các cơ chế hợp tác khoa học quốc tế; thúc đẩy văn hóa hòa bình làm động lực chính của sự phát triển bền vững; bảo đảm sự cân bằng giữa công tác bảo tồn di sản thiên nhiên, văn hóa với phát triển kinh tế tại các khu di sản thế giới, bảo đảm lồng ghép và tích hợp văn hóa vào các chính sách và chiến lược phát triển ở tất cả các cấp độ; đẩy mạnh thông tin về Việt Nam với thế giới.
Được biết, Việt Nam và UNESCO đã ký kết Bản ghi nhớ và thực hiện các nội dung hợp tác trong giai đoạn 2010 - 2015 gồm: giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa, thông tin và truyền thông, ủy ban quốc gia.
Trong đó, về văn hóa thống nhất hợp tác các điều khoản: Tăng cường chính sách và năng lực quốc gia nhằm bảo vệ và quản lý có hiệu quả di sản vật thể và phi vật thể trước những thách thức hiện nay, theo các công ước liên quan đến văn hóa của UNESCO (1972, 2003 và 2005); Đưa các nguyên tắc về đa dạng văn hóa và đối thoại liên văn hóa vào trong các chính sách và chương trình phát triển của quốc gia; Củng cố các mạng lưới chuyên môn và các quan hệ đối tác, tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực và nhận thức cho sự phát triển hơn nữa của các bảo tàng; Tạo cơ hội để phát triển và thể hiện sự đóng góp của văn hóa đối với sự phát triển và tầm quan trọng của việc cân bằng giữa bảo tồn, du lịch và phát triển, phù hợp với các Công ước liên quan đến văn hóa của UNESCO (1972, 2003 và 2005); Tăng cường hướng dẫn, quy định và chuẩn mực quốc gia để phát triển du lịch di sản, các ngành công nghiệp văn hóa và Cơ cấu du lịch Làng nghề thủ công; Tăng cường thu thập, theo dõi và sử dụng số liệu thống kê về văn hóa và các dữ liệu được tách ra để phục vụ cho việc xây dựng chính sách và thực hiện các chương trình phát triển; Quảng bá cho tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển bền vững ở Việt Nam bằng cách phổ biến tri thức, tập quán và sản phẩm truyền thống và bản địa vì lợi ích của các cộng đồng dân tộc thiểu số; Hỗ trợ các sáng kiến lồng ghép di sản văn hóa và đa dạng văn hóa vào các hoạt động của trường học./.