Non nước Việt Nam

Thác Dải Yếm - Sơn La Viên ngọc quý của vùng Tây Bắc

Cập nhật: 18/11/2008 10:11:01
Số lần đọc: 2210
Những câu thơ bi tráng của nhà thơ Quang Dũng: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi- Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi- Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi- Mường Lác đêm về mưa xa khơi”... khiến những người thích du lịch và yêu mến cảnh đẹp muốn làm một chuyến đi khám phá miền đất quyến rũ này.

Tỉnh Sơn La nằm ở phía Tây Bắc nước ta. Tỉnh có nhiều núi cao, mạng lưới sông suối khá dày. Để đến Sơn La, từ Đồng bằng sông Cửu Long, có thể đi bằng đường bộ theo quốc lộ 1A rồi vào quốc lộ 6, nếu đi bằng đường không, từ TP Hồ Chí Minh khách có thể mua vé đến sân bay Nà Sản của tỉnh Sơn La.

Đến với vùng đất Tây Bắc này, bên cạnh việc thưởng ngoạn cảnh đẹp non sông cẩm tú của vùng biên cương Tổ quốc, du khách sẽ được hiểu thêm về những nét văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Sơn La bởi nơi đây có đến 12 dân tộc anh em cùng sinh sống với những sắc thái văn hóa độc đáo, riêng biệt. Các địa danh như Chùa Chiền Viện, Nhà tù và Bảo tàng Sơn La, hang Tát Tòng, hang Ké, suối nước khoáng nóng Bản Mòng... của Sơn La hiện nay là những điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Vào mùa xuân, Sơn La càng rộn ràng hơn với những lễ hội theo phong tục của các dân tộc vùng cao như trò chơi tung còn tìm bạn, tìm duyên của người Tày và lễ hội Hoa Ban của người Thái. Tỉnh Sơn La còn có một thác nước nổi tiếng, đó là thác nước Bản Vặt, một nơi gắn liền với lịch sử cư trú từ rất xa xưa của người Thái ở vùng đất Mường Sang xưa và là Mộc Châu ngày nay. Thác Bản Vặt còn có các tên gọi khác là thác Nàng hay thác Dải Yếm, bởi dòng thác này được hình dung tương tự như dải yếm của người thiếu nữ.

Khởi nguồn từ hai khe nước Bó Co Lắm và Bo Tá Cháu ở đầu bản Vặt- một bản của dân tộc Thái có lịch sử lâu đời nhất ở vùng đất này- nước từ nguồn trong núi chảy ra tạo thành suối Vặt khoảng 5 km thì hòa vào dòng chảy của suối Bó Sập - một dòng suối lớn bắt nguồn từ bản Bó Sập giáp biên giới Việt Lào chảy về đất Yên Châu tạo thành thác nước hùng vĩ. Thác ngày đêm đổ xuống trắng xóa, ầm ào không chỉ mang đến cho du khách sự thích thú trước một khung cảnh vừa huyền bí vừa kỳ vĩ của đất trời mà còn cảm giác sảng khoái khi được hòa mình theo những ngọn gió mát lành của thiên nhiên. Thác Dải Yếm đẹp nhất vào tháng 4 đến tháng 9 hàng năm bởi đây là mùa nước đủ, toàn bộ thác rộng 70m là một màn nước trắng xóa đổ xuống vừa mạnh mẽ vừa hùng vĩ tạo ra cảnh quan thơ mộng.

Ngược theo suối một đoạn một lòng suối rộng với hàng ngàn viên đá, tảng đá mang muôn hình vạn trạng khác nhau, nhìn rất lạ mắt khiến du khách thích thú. Chịu khó trèo lên đến đỉnh thác, khách sẽ gặp một thảm thực vật phong phú và tuyệt đẹp làm cho khung cảnh thiên nhiên nơi đây càng thêm sinh động.

Rời thác Dải Yếm, đi ngược trở lại quốc lộ 43 khoảng 600m, quẹo phải khoảng 300m, du khách có dịp tìm hiểu nét sinh hoạt và đời sống của bà con ở Bản Vặt. Đây là một bản người Thái có từ rất lâu đời, gắn liền với quá trình lập bản của người Thái với các dòng họ lớn như: Sa, Hà, Hoàng... Người dân trong bản sẽ kể cho khách nghe về các truyền thuyết thành lập bản và các phong tục cổ xưa, tham quan nhà sàn và cách bài trí trong nhà người Thái, xem trang phục truyền thống và nghề dệt thổ cẩm địa phương.

Đến Sơn La, có lẽ du khách cũng nên sắp xếp để đi thăm di tích Nhà tù và Bảo tàng Sơn La. Nhà tù Sơn La là nơi ngày xưa thực dân Pháp giam cầm các chiến sĩ cách mạng. Tại khu bảo tàng hiện còn trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu quý giúp khách tham quan tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của cộng đồng 12 dân tộc đang sinh sống ở vùng đất này. Cách Nhà tù và Bảo tàng Sơn La không xa là Thẩm Tát Tòng và Thẩm Ké- hai hang động có nhiều cảnh đẹp đáng để du khách khám phá.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT