Hoạt động của ngành

Bà Rịa – Vũng Tàu nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ du lịch

Cập nhật: 08/12/2015 14:19:25
Số lần đọc: 1252
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xác định chất lượng dịch vụ là một trong những yếu tố quan trọng, tạo nên sức hấp dẫn cho địa phương, chính vì vậy, những năm qua, tỉnh đã tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.


Một khu nghỉ dưỡng tại huyện Côn Đảo (Ảnh: K.V)

Nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước

Ông Hồ Văn Lợi - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, xác định tầm quan trọng của việc phát triển chất lượng dịch vụ du lịch, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, từ năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã từng bước đầu tư xây mới và nâng cấp cải tạo cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường du lịch.

Đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 249 khách sạn và resort đang hoạt động, với 8.427 phòng. Tỉnh hiện có 22 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 10 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Một số di tích, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch và khu du lịch đã được đầu tư đồng bộ, đủ tiêu chuẩn tiếp đón và phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước. Hoạt động du lịch của tỉnh phát triển trong những năm qua đã thu hút, tạo điều kiện cho lao động địa phương có việc làm ổn định.

Với sự phát triển vượt bậc của hệ thống cơ sở kinh doanh du lịch, đã có hơn 9.000 lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tổng doanh thu du lịch giai đoạn 2011- 2015 đạt 14.380 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm 15,9%. Địa phương đã đón và phục vụ trên 62 triệu lượt khách, bình quân hàng năm tăng 12%, trong đó có khoảng 2,3 triệu lượt khách quốc tế, bình quân hàng năm tăng 10,6%.

Với chủ trương khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của ngành “công nghiệp không khói”, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kêu gọi, thu hút nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tại những vị trí thuận lợi phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái ven biển đã được quy hoạch, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đăng ký gần lấp đầy. Nguồn vốn đổ vào lĩnh vực du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng nhiều nhờ tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; quy hoạch phát triển du lịch bài bản, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư.

Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, Bà Rịa – Vũng Tàu đã có thêm 50 khách sạn và khu du lịch mới đưa vào hoạt động, trong đó, tại khu vực Hồ Tràm - Hồ Cóc (huyện Xuyên Mộc) có thêm nhiều khu du lịch cao cấp như: The Grand Hồ Tràm Strip (đạt tiêu chuẩn 5 sao); Carmelina Beach resort, khu nghỉ dưỡng Hồ Cóc, Vietsovpetro resort (đạt tiêu chuẩn 4 sao); khu du lịch Hương Phong - Hồ Cóc (đạt tiêu chuẩn 3 sao). Ở huyện Côn Đảo, resort 5 sao Six Senses có sức thu hút khách quốc tế trong suốt 12 tháng của năm, ngoài ra, hai resort 3 sao gồm: Sài Gòn - Côn Đảo, Công đoàn và nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn ở đây cũng góp phần thu hút mạnh mẽ lượng khách quốc tế và trong nước, tăng doanh thu cho ngành du lịch, đồng thời tạo dấu ấn trong chiến lược phát triển du lịch cao cấp của tỉnh.

Theo ông Michael Kelly, Chủ tịch The Grand Hồ Tràm Strip, Kể từ khi The Grand Hồ Tràm Strip đưa vào khai thác đến nay, sau hơn hai năm, khu du lịch này luôn tấp nập khách. Công suất phòng hầu như kín chỗ. Hiện, The Grand Hồ Tràm Strip đang triển khai thi công giai đoạn 2. Trong tương lai, The Grand Hồ Tràm Strip sẽ phát triển thêm 3 resort 5 sao nằm dọc theo 2,2km bờ biển. Tổng vốn đầu tư cho cả hai giai đoạn hơn 4 tỷ USD. 

Ông Phạm Duy Đức, một du khách từ Hà Nội đến tham quan huyện Côn Đảo cho biết: Hầu như năm nào, gia đình, bạn bè của tôi cũng đến tham quan, nghỉ dưỡng ở Bà Rịa - Vũng Tàu, bởi nơi đây phong cảnh đẹp, mà trên hết là các khu lưu trú phục vụ rất chuyên nghiệp, ấn tượng, tạo sự hài lòng cho khách mỗi khi tới ăn, nghỉ.

Một trong những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ các cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong những năm qua, đó là Chương trình "Những địa chỉ tin cậy của du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu".

Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ năm 2007 đến nay, để cải thiện môi trường kinh doanh du lịch, đồng thời quảng bá thương hiệu sản phẩm dịch vụ du lịch đạt chất lượng đến đông đảo du khách, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai chương trình này. Đây là mô hình được triển khai đầu tiên trong cả nước. Trong giai đoạn đầu (2008-2009), toàn tỉnh có 41 doanh nghiệp, cơ sở được công nhận “Địa chỉ tin cậy của du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”, bước sang giai đoạn 2010-2011 đã tăng lên 66 doanh nghiệp, cơ sở; giai đoạn 2012-2014 tăng lên 86 doanh nghiệp, cơ sở và đến nay đã có trên 100 doanh nghiệp, cơ sở được công nhận. Các doanh nghiệp, cơ sở được công nhận hoạt động trên các lĩnh vực như: Lưu trú, ăn uống, lữ hành, vận chuyển, mua sắm, chăm sóc sắc đẹp và vui chơi giải trí. Những doanh nghiệp, cơ sở công nhận được trao logo chương trình, được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và quan trọng là được du khách tin tưởng lựa chọn khi đến Bà Rịa – Vũng Tàu tham quan, nghỉ dưỡng, mua sắm.

Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sau một thời gian triển khai chương trình, môi trường kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao uy tín cho ngành du lịch.

Để chất lượng dịch vụ du lịch phát triển bền vững

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, tuy nhiên, du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn những hạn chế trong chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và sức cạnh tranh ngoài tỉnh. 

Ông Hồ Văn Lợi - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thị trường khách du lịch quốc tế của tỉnh còn thiếu bền vững. Các công ty lữ hành quốc tế chưa trực tiếp khai thác được thị trường khách quốc tế,  chỉ chủ yếu tổ chức các dịch vụ cho các hãng lữ hành quốc tế trong và ngoài nước. Tổng lượt khách đến Bà Rịa – Vũng Tàu hàng năm đều tăng, nhưng chủ yếu tăng đối tượng khách tham quan (chiếm 69% tổng lượt khách). Loại khách này có mức chi tiêu thấp, ít sử dụng dịch vụ du lịch. Sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh chưa có đột biến, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng cho thương hiệu du lịch của tỉnh. Là tỉnh có tiềm năng tài nguyên biển và đảo nhưng số lượng và chất lượng sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng còn đơn điệu, chưa khai thác được giá trị tài nguyên biển, hệ sinh thái biển và đảo.

Hiện nay, các cơ sở kinh doanh du lịch (các khu du lịch, bãi tắm, cơ sở lưu trú, điểm tham quan, điểm mua sắm, dịch vụ giải trí) trên địa bàn tỉnh tuy khá nhiều, nhưng ít cơ sở có sản phẩm du lịch chất lượng và quy mô lớn để có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách chi tiêu cao. Sản phẩm du lịch vui chơi giải trí hầu như không phát triển, dẫn đến hiện tượng “khách cần tiêu tiền nhưng không có chỗ để tiêu”. Số cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao chưa nhiều, cũng như các dịch vụ vui chơi giải trí đi kèm còn hạn chế. Đội ngũ nhân viên phục vụ trong ngành du lịch đa phần là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, nhất là về trình độ ngoại ngữ. Một số doanh nghiệp du lịch chưa thực hiện nghiêm các quy định về giá các loại dịch vụ như: Buồng phòng, ăn uống, mua sắm, phao, dù...; vẫn còn tình trạng tăng giá vào mùa cao điểm.

Cũng theo ông Hồ Văn lợi, thực trạng trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu như: Công tác kêu gọi đầu tư cho phát triển du lịch đối với một số doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế còn khiêm tốn so với tiềm năng; nhiều khu vực quy hoạch chưa được đầu tư các dự án lớn; việc định hướng không gian phát triển du lịch theo quy hoạch còn chung chung, dẫn đến tình trạng nhiều dự án đầu tư chậm triển khai thực hiện, kéo dài thời gian; một số dự án đã đầu tư thì manh mún, xé lẻ gây lãng phí tài nguyên. Vai trò quản lý Nhà nước về du lịch chưa được nâng cao; sự phối kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với các ngành chức năng, các địa phương chưa đồng bộ. 

Đồng thời, công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch trong những năm qua mới chú trọng phát triển về số lượng, chưa thực sự đầu tư cho chất lượng nên chưa đáp ứng nhu cầu cho phát triển du lịch. Hiệp hội Du lịch giữ vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vai trò này chưa thực sự được phát huy, nhất là việc vận động, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Một số doanh nghiệp chưa chủ động đầu tư cho công tác tuyên truyền quảng bá, còn trông chờ vào cơ quan quản lý nhà nước, chưa đủ nguồn lực để đầu tư cơ sở lưu trú chất lượng cao, chưa quan tâm đúng mức về đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, còn trông chờ vào nguồn nhân lực có sẵn từ thị trường…

Để khắc phục những hạn chế trên, cùng với đó là để nâng cao chất lượng dịch vụ các cơ sở du lịch trong thời gian tới, ngành du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu đã đưa ra nhiều giải pháp, đó là: Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các khách sạn, resort có chất lượng cao từ 4 đến 5 sao, để đáp ứng nhu cầu khách lưu trú trong nước và quốc tế. Đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất hiện có đáp ứng thị hiếu khách du lịch từ khâu buồng phòng, khu giải trí, khu mua sắm, ăn uống và các dịch vụ khác kèm theo. Phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn thống nhất mặt bằng giá tour, tuyến, buồng phòng và các dịch vụ đi kèm hợp lý theo từng thời điểm. Tăng cường mạng lưới tour, tuyến du lịch, với việc tuyên truyền, quảng bá, xây dựng  thương hiệu, xúc tiến mở rộng thị trường mới, củng cố thị trường tiềm năng. Tiến hành đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ…

Đồng thời, phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, các quy định mới của Bộ, ngành liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch. Trên cơ sở quy hoạch du lịch đã được phê duyệt, tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính đầu tư xây dựng các khu du lịch, vui chơi giải trí lớn, đa dạng các mô hình kinh doanh lưu trú để thu hút khách. Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng bộ tiêu chí “Chất lượng dịch vụ” tại các khách sạn, resort, điểm du lịch để các doanh nghiệp du lịch thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Cùng với đó là phải thường xuyên thanh tra kiểm tra các tuyến, điểm việc thực hiện các quy định của ngành chức năng đối với phương tiện vận chuyển du lịch. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch với việc quan tâm bảo đảm công tác an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, cấp cứu thủy nạn và vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch, các khu vực công cộng, nhằm bảo đảm an toàn cho du khách khi đến nghỉ dưỡng; đầu tư, tôn tạo các danh lam, thắng cảnh, các khu di tích tại địa phương để thu hút du khách. Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ của các cơ sở lưu trú đã được xếp hạng, hoạt động của các đơn vị lữ hành, việc kết nối các tour, tuyến theo quy định./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục