Tin tức - Sự kiện

Phổ biến báo cáo kỹ thuật về phát triển sản phẩm du lịch 8 tỉnh Tây Bắc

Cập nhật: 09/12/2015 09:13:34
Số lần đọc: 1525
Báo cáo kỹ thuật về Phát triển sản phẩm du lịch Khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng vừa được các chuyên gia Dự án “Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội” (gọi tắt là Dự án EU-ESRT, do Liên minh Châu Âu tài trợ) tập trung xây dựng và hoàn thiện nhằm tăng cường công tác quản lý điểm đến và marketing sản phẩm du lịch.


Báo cáo về Phát triển sản phẩm du lịch khu vực hành lang đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Ảnh: Dự án EU-ESRT cung cấp

Dựa theo vị trí địa lý của các tỉnh, các chuyên gia Dự án EU-ESRT đã triển khai xây dựng hai báo cáo theo khu vực hành lang tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai và khu vực dọc Quốc lộ 6 và lưu vực sông Đà.

Các báo cáo đã đưa ra những phân tích bối cảnh cũng như các sản phẩm du lịch, các thị trường, phân khúc thị trường và các tuyến du lịch chính sát với tình hình thực tế của ngành Du lịch tại khu vực, trên cở sở đó, xác định và đánh giá các sản phẩm du lịch ưu tiên để có thể kết nối và phát triển, tạo nên một điểm đến cấp vùng.

Báo cáo về Phát triển sản phẩm du lịch khu vực hành lang đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai đã xác định bốn cụm sản phẩm du lịch chính gồm cụm Nam Phú Thọ, cụm Bắc Phú Thọ và Yên Bái, cụm Đông Lào Cai và cụm Tây Lào Cai. Trong khi đó, Báo cáo về Phát triển sản phẩm du lịch khu vực dọc Quốc lộ 6 và lưu vực sông Đà lại chỉ ra mười cụm sản phẩm ưu tiên gồm cụm thành phố Hòa Bình và khu vực lân cận, cụm hồ Hòa Bình, cụm thung lũng Mai Châu, cụm Vân Hồ, cụm cao nguyên Mộc Châu, cụm thành phố Sơn La và khu vực lân cận, cụm Mường La – Quỳnh Nhai, cụm thành phố Điện Biên Phủ và khu vực lân cận, cụm Mường Nhé và cụm ngã ba sông Đà – Nâm Na.

Trong phần kết thúc, các chuyên gia của Dự án EU-ESRT đã thực hiện việc phân tích thực trạng và những thiếu hụt của sản phẩm nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch vùng, trong đó tập trung đánh giá chức năng của sản phẩm trên tuyến và cụm sản phẩm đã xác định.

Đồng thời, từ phân tích này, các chuyên gia đã rút ra một loạt kiến nghị nhằm củng cố các sản phẩm du lịch, từ việc tăng cường kiểm soát quá trình thương mại hóa, hiện đại hóa tại các điểm di sản, hoạt động quản lý chất thải tại các điểm du lịch trọng điểm đến việc nâng cao chất lượng thuyết minh tại các điểm di sản thiên nhiên, lịch sử và văn hóa.

Ngoài ra, các vấn đề như tăng cường quản lý tác động của khách du lịch tại các điểm đến, quản lý đám đông, ùn tắc trong mùa cao điểm nhằm đảm bảo an toàn cho du khách cũng được đặt ra. Song song với đó, chính quyền địa phương cần chủ động nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch như xây dựng thêm các điểm dừng chân hay các biển chỉ dẫn trong khu vực đồng thời đa dạng hóa và nâng cấp chất lượng sản phầm và dịch vụ tại các điểm du lịch cộng đồng.

Đi kèm với báo cáo, các chuyên gia của Dự án EU-ESRT cũng đã đưa ra bản đồ sản phẩm du lịch của khu vực được xây dựng dựa trên các chuyến khảo sát thực tế. Đây được xem là những nguồn tài nguyên quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước các địa phương sử dụng trong hoạt động hoạch định và phát triển du lịch của địa phương nói riêng và của khu vực nói chung trong thời gian tới.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT