Tin tức - Sự kiện

Hình thành 15 cụm sản phẩm du lịch tại 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng

Cập nhật: 15/12/2015 10:03:07
Số lần đọc: 2190
(TITC) - Nhằm tăng cường công tác quản lý điểm đến và marketing sản phẩm du lịch khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, các chuyên gia Dự án “Chương trình phát triển Năng lực du lịch có trách nhiệm” (EU-ESRT) đã xây dựng và hoàn thiện hai báo cáo kỹ thuật về phát triển sản phẩm du lịch khu vực hành lang tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và khu vực dọc Quốc lộ 6 - lưu vực sông Đà. 


Đại diện dự án EU-ESRT trao báo cáo kỹ thuật về phát triển sản phẩm du lịch khu vực hành lang tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai

Theo báo cáo, khu vực hành lang tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai được định hướng xây dựng thành 5 cụm sản phẩm du lịch chính, gồm: Nam Phú Thọ, Bắc Phú Thọ, Yên Bái, Đông Lào Cai và Tây Lào Cai. Khu vực dọc Quốc lộ 6 và lưu vực sông Đà gồm 10 cụm sản phẩm du lịch chính là: TP. Hòa Bình và phụ cận, hồ Hòa Bình, thung lũng Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), TP. Sơn La và phụ cận, cao nguyên Mộc Châu,  Mường La - Quỳnh Nhai, Vân Hồ (tỉnh Sơn La), TP. Điện Biên Phủ và phụ cận, Mường Nhé, cụm ngã ba sông Đà - Nậm Na (tỉnh Điện Biên).

Dựa trên những phân tích về bối cảnh, thị trường và phân khúc thị trường cũng như các tuyến du lịch chính tại 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, các chuyên gia của dự án EU-ESRT đã xác định và đưa ra đánh giá về các sản phẩm du lịch ưu tiên của từng khu vực; đồng thời phân tích thực trạng và những thiếu hụt của sản phẩm nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch vùng. Bên cạnh đó, kế hoạch hành động với nhiều giải pháp nhằm củng cố, hoàn thiện hệ thống sản phẩm du lịch, hướng tới mục tiêu kết nối và định vị thương hiệu du lịch vùng cũng được các chuyên gia đề xuất.

Theo các chuyên gia, các cụm sản phẩm du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng cần được định vị và xây dựng chủ đề một cách rõ ràng để nêu bật những trải nghiệm độc đáo mà khách du lịch có thể có được ở mỗi điểm đến. Để làm được điều này, chính quyền địa phương cần kiểm soát thương mại hóa, hiện đại hóa các điểm di sản; tăng cường hoạt động quản lý chất thải ở các điểm đến du lịch trọng điểm; tăng cường quản lý tác động của du khách đến các điểm du lịch; quản lý đám đông và ùn tắc tại các điểm đến trong mùa cao điểm; xây dựng thí điểm qui chế phối hợp quản lý khách du lịch tại các điểm du lịch đạt chuẩn. Cùng với đó, địa phương cần chủ động nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch như xây dựng thêm các điểm dừng chân hay các biển chỉ dẫn trên các tuyến đường trọng điểm vào các khu, điểm du lịch; đa dạng hóa và nâng cấp chất lượng sản phẩm và dịch vụ tại các điểm du lịch cộng đồng; nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ homestay tại các điểm du lịch cộng đồng; cải thiện chất lượng thuyết minh tại các điểm di sản...

Ngoài ra, các địa phương cần phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua internet và tiếp thị điện tử, các hoạt động khảo sát thực địa, tổ chức và tham gia các triển lãm và hội chợ thương mại du lịch, phát hành ấn phẩm, tài liệu giới thiệu các điểm tham quan...

Cùng với báo cáo, dựa trên các chuyến khảo sát thực tế, các chuyên gia của Dự án EU-ESRT đã xây dựng bản đồ sản phẩm du lịch của 2 khu vực hành lang tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và khu vực dọc Quốc lộ 6 - lưu vực sông Đà. Đây được xem là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước các địa phương sử dụng trong công tác hoạch định và phát triển du lịch của địa phương nói riêng và của khu vực nói chung trong thời gian tới.

Bài: Phạm Phương; ảnh: Thanh Tâm
Nguồn: Dự án EU-ESRT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT