Xây dựng tour xã hội hóa “ĐBSCL - Một điểm đến, 4 địa phương +”
Ảnh minh họa
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ - Cụm trưởng Cụm hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2010-2015 cho biết năm 2016, Cụm hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thực hiện giới thiệu từng điểm đến của các tỉnh, thành phố trong cụm nhằm quảng bá cho du khách, nâng cao hiệu quả tour “Đồng bằng sông Cửu Long - Một điểm đến, 4 địa phương +” theo phương thức xã hội hóa.
Theo ông Lê Thanh Phong, Phó Trưởng ban điều phối Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian tới Cụm hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương gắn với củng cố, nâng cấp các sản phẩm du lịch đặc thù hiện có để hình thành các tour du lịch mới của cụm, tạo sự hấp dẫn, mới lạ.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện tour du lịch “Đồng bằng sông Cửu Long - Một điểm đến, 4 địa phương +” và củng cố nâng cấp các điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm đẩy nhanh tốc độ thu hút du khách.
Song song đó là thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp, nắm bắt kịp thời việc thực hiện hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng doanh nghiệp và của địa phương, ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau trong cụm để từng bước phát huy hiệu quả hợp tác.
Đồng thời, tăng cường sự chung tay trong hoạt động xúc tiến quảng bá của cụm để phát huy tối đa hiệu quả công tác. Trước mắt, tất cả các thành viên trong cụm tập trung, phối hợp tham gia các sự kiện của năm du lịch Quốc gia 2016 - Phú Quốc-Đồng bằng sông Cửu Long để từng bước tạo dựng thương hiệu cụm du lịch phía tây Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụm hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2015 gồm 5 tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu. Sản phẩm chung của cụm là đã xây dựng được tour du lịch “Đồng bằng sông Cửu Long - Một điểm đến, 4 địa phương +”.
Đến nay, các địa phương đã khảo sát, phối hợp xây dựng thành công tour du lịch “Đồng bằng sông Cửu Long - Một điểm đến, 4 địa phương +” và đang điều chỉnh, bổ sung ngày một phù hợp thực tế hơn. Hợp tác của cụm đã tạo sự gắn kết và đồng thuận giữa các địa phương trong cụm; đồng thời lan tỏa ra cả vùng, góp phần thúc đẩy du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững hơn.
Chương trình phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua 5 năm đạt được một số kết quả. Cụ thể, tổng số khách từ 13 triệu lượt vào năm 2011 tăng lên 21 triệu lượt năm 2015; trong đó khách quốc tế đạt gần một triệu lượt.
Mức tăng bình quân hàng năm là 12%/năm. Doanh thu năm 2011 đạt gần 2.500 tỷ đồng và năm nay đạt gần 4.500 tỷ đồng, mức tăng bình quân 16%/năm./.