Du lịch TP.Hồ Chí Minh: Liên kết và Quảng bá thu hút khách
Thực trạng: khó khăn
Nguyên nhân chủ yếu của sự suy giảm này là do tác động của khách quan, khủng hoảng tài chính toàn cầu và tình hình lạm phát trong nước làm giá cả tăng đột biến. Giá xăng nhảy vọt đẩy giá dịch vụ, giá tour tăng theo. Theo đó, thành phố thiếu điểm cho khách vui chơi, giải trí trong những ngày lưu trú. Khách không biết đi đâu mà nhà điều hành tour cũng không biết dẫn khách đi đâu vì đường xá kẹt xe, nhiều “lô cốt”… Ngoài ra, theo ông Võ Anh Tài, Giám đốc công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist thì quý 4, năm 2008, công ty tham dự 9 hội chợ du lịch quốc tế để chào bán tour, làm việc với đối tác. Qua đó, một ghi nhận không lạc quan là “tình hình khách quốc tế đến nước ta trong năm 2009 cũng sẽ không tốt lắm vì các thị trường Châu Âu như Pháp, Anh… lượng khách đăng ký tour đi Việt Nam giảm 37%”. Nguyên nhân giảm khách là do giá tour đi Việt Nam cao, do bảng báo giá được gửi từ khoảng tháng 4 – 5 lúc giá dịch vụ tăng. Tình hình khủng hoảng tài chính làm cho khách có tâm lý dè dặt, không muốn du lịch xa. Loại hình du lịch Mice cũng vì thế mà bị ảnh hưởng, một số công ty hạ chuẩn sao từ Mice 5 sao giảm xuống 4 sao, 3 sao. Thậm chí, một số công ty phá sản, biến mất khỏi thị trường mà hợp đồng đặt tour thì chưa thực hiện. Một nguyên nhân nữa là sự biến động của tỷ giá đô la. Đồng Euro giảm giá so với đô la khoảng 20% mà giá tour của Việt Nam chủ yếu tính bằng đô la. Từ đó quy đổi ra, giá tour chúng ta lại đắt thêm 20%, khả năng cạnh tranh kém hơn. Thị trường Úc cũng khó vì đồng Úc mất giá. Thị trường Nga vẫn ổn định nhưng người Nga có thói quen gần thời gian đi du lịch mới đặt tour nên mức dự báo, xác định lâu dài rất khó.
Giải pháp: tăng cường liên kết, phối hợp
Tình hình tuy không sáng sủa nhưng tại hội thảo các doanh nghiệp cũng đã đề ra nhiều giải pháp để khắc phục. Trong đó, giải pháp trước mắt là phải tăng cường sự liên kết, giảm giá và quảng bá. Các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, khách sạn, vận tải phải ngồi lại cùng nhau để đưa ra biện pháp giảm giá. Có thể, các hãng hàng không tổ chức các đợt khuyến mãi, thông tin đến các nước khác để thu hút khách, hay khách sạn giảm giá phòng… Bởi vì, thời điểm này giá xăng đã giảm xuống, vận tải cũng giảm, hàng không đã bỏ mức phụ thu xăng dầu ở đường bay nội địa.
Ông Tào Văn Nghệ, Giám đốc khách sạn Majestic, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Trong thời gian tới các khách sạn sẽ không tăng giá. Mà không dám tăng giá đã là giảm giá”. Ông Võ Anh Tài, Giám đốc công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist cũng đề ra giải pháp các doanh nghiệp cần phối hợp, liên kết với nhau. Về phía lãnh đạo du lịch cần phối hợp với các nước Asean để quảng bá, xúc tiến thu hút khách đến Đông Nam Á và từ đó đưa về Việt Nam.
Bên cạnh những giải pháp cấp bách, tức thời, những vấn đề lâu dài như làm phong phú thêm điểm đến cho thành phố cũng được cập nhật thông tin mới. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “tình hình khó khăn nhưng trong khó khăn bao giờ cũng có cơ hội, phải nắm bắt cơ hội. Giải pháp cơ bản cho tình hình là sự phối hợp các doanh nghiệp, công nghệ quản lý, sản phẩm mới, tăng cường quảng bá thương hiệu Việt Nam”.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc sở VH, TT & DL cho biết: “Sang năm, cần tập trung vào thị trường Trung Quốc, Malyasia, Singapore, Thái Lan; thị trường Nga và Bắc Âu. Sở sẽ mở các lớp bồi dưỡng tiếng Nhật cho hướng dẫn viên, đào tạo tiếng Hàn, khảo thí và cấp thẻ hướng dẫn viên tiếng Nga; phát triển du lịch đường sông…”.