Hoạt động của ngành

Tăng cường quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong mùa lễ hội 2016

Cập nhật: 15/01/2016 10:03:11
Số lần đọc: 1329
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2016.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh/thành... cần tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội ở địa phương. Xây dựng kế hoạch công tác, định hướng quản lý và tổ chức lễ hội, sơ kết và tổng kết công tác quản lý lễ hội theo định kỳ. Kiện toàn Ban Tổ chức, Ban Chỉ đạo, thành lập các Tiểu ban và phân công nhiệm cụ thể cho từng thành viên.

Không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích trục lợi, vi phạm nếp sống văn minh. Vận động nhân dân loại bỏ hoặc thay thế các tập tục không còn phù hợp, những hành vi bạo lực, phản cảm gây bức xúc dư luận xã hội.

Tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý và tổ chức lễ hội; định hướng tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội; vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

Đối với những địa phương có nhiều lễ hội, lễ hội lớn thu hút đông người và kéo dài ngày như: Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ); Lễ hội Yên Tử (Quang Ninh); Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); Lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương); Lễ hội Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); Lễ hội Phủ Dày, Đền Trần (Nam Định); Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam (An Giang); Lễ hội Xuân Núi Bà Đen (Tây Ninh)… phải xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối, tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông, đảm bảo an ninh trật tự. Bố trí bãi trông, giữ phương tiện giao thông phù hợp, tránh ùn tắc giao thông. Thực hiện quy hoạch khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá; không bày bán thịt động vật hoang dã, các đồ chơi có tính bạo lực. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của cơ quan chức năng; kiên quyết loại bỏ những hủ tục, những hình ảnh phản cảm trong lễ hội.

Các địa phương cũng cần lưu ý, chỉ đạo Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Không để các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam trong các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật di sản văn hoá và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các nơi tổ chức lễ hội cần chú ý đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự; kiên quyết không để các hành vi bạo lực, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, đốt pháo, thả đèn trời… diễn ra trong lễ hội.

Cơ quan quản lý nhà nước các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác...

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch các cấp chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và định hướng chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác lễ hội và các vấn đề có liên quan đến nội dung được đề cập tại Chỉ thị này; biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời phát hiện, phê phán mạnh mẽ các tổ chức, cá nhân không nghiêm túc thực hiện Chỉ thị. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Năm 2015, công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở các địa phương trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; lễ hội được tổ chức trang nghiêm; công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội được đảm bảo. Những kết quả đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội còn bộc lộ những yếu kém cần phải khắc phục như: Biểu hiện thương mại hoá trong lễ hội; lợi dụng lễ hội để trục lợi, bán vé vào lễ hội, vi phạm quy định của Nhà nước. Một số lễ hội còn duy trì tập tục chứa đựng những yếu tố phản cảm; bạo lực, tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, tranh giành, đeo bám khách làm mất trật tự an ninh còn diễn ra ở một số lễ hội. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội chưa cao, vẫn còn đốt nhiều vàng, mã gây tốn kém, lãng phí, gây nguy cơ cháy, nổ; vẫn còn tình trạng lén lút đổi tiền hưởng chênh lệch giá trong di tích, lễ hội, vi phạm quy định về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Công tác vệ sinh môi trường một số nơi chưa làm tốt, việc thu gom rác thải chưa kịp thời, tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn diễn ra trong lễ hội./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục