Phát triển du lịch mạo hiểm ở Việt Nam: Cần một “cú hích”
Tuy nhiên, du lịch mạo hiểm ở Việt Nam, dù có tiềm năng lớn nhưng vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm, chưa tạo được sức bật.
Việt Nam với 3/4 địa hình là đồi núi, hệ thống sông ngòi chằng chịt, các dãy núi đá vôi, nhiều hang động đẹp, các khu rừng nguyên sinh nhiệt đới cũng như các khu bảo tồn thiên nhiên, hơn 3.000 km bờ biển, tạo cảnh đẹp vô cùng phong phú, là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch mạo hiểm. Trong qui hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010, Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch xác định: du lịch mạo hiểm là lĩnh vực đặc thù, cần được chú trọng. Khách du lịch mạo hiểm thường có khả năng chi trả cao, đi du lịch dài ngày, vì vậy, nhiều nước có chiến dịch quảng bá loại hình này để thu hút khách. Các loại hình du lịch mạo hiểm được du khách ưa chuộng là đi bộ, leo núi, đua ô tô, mô tô, xe đạp, lặn biển, bè mảng, đua thuyền, lướt ván nhảy dù…
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ cùng với bản sắc văn hóa bản địa của các dân tộc, các tỉnh miền núi Đông Bắc, miền Trung và Tây Nguyên là địa chỉ tuyệt vời để tổ chức các tour du lịch mạo hiểm. Trong mấy năm qua, Tổng cục Du lịch thường xuyên tổ chức các đoàn doanh nghiệp lữ hành đi khảo sát các tuyến điểm du lịch ở hầu khắp cả nước và cho biết những khu vực này có thế mạnh, tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành Du lịch mới khai thác được số ít tài nguyên du lịch tại khu vực đồng bằng, ven biển và một số khu vực miền núi gần các thị trấn, ven quốc lộ, còn một phần rất lớn tài nguyên du lịch phong phú và quý giá vẫn chưa được khai thác đầy đủ. Hiện chưa có nhiều doanh nghiệp lữ hành tham gia tổ chức các tour du lịch mạo hiểm, thực tế, chỉ mới có một số doanh nghiệp lữ hành tổ chức được các chương trình như chinh phục đỉnh Phan Xi Păng, đỉnh Lang Biang, đi xe đạp địa hình, xe mô tô thể thao ở vùng núi, chèo thuyền trên Vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà. Saigontourist đã phối hợp với Câu lạc bộ thuyền buồm Hoàng gia Hồng Công, vào các năm 2004, 2006, 2008, Tập đoàn VinaCapital tổ chức 3 cuộc đua thuyền buồm từ Hồng Công đến Nha Trang, mỗi cuộc có từ 100 đến 200 khách du lịch nước ngoài tham gia.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai các chương trình du lịch mạo hiểm còn gặp nhiều trở ngại. Doanh nghiệp lữ hành cho rằng phần lớn người Việt ít có thói quen khám phá, mạo hiểm; trong khi đó, khách nước ngoài ưa thích loại hình này nhưng lại yêu cầu cao về độ an toàn, nên ngoài việc chọn địa điểm, các doanh nghiệp cần phải chuyên nghiệp, hướng dẫn viên phải được đào tạo bài bản về du lịch mạo hiểm. Không dễ bảo đảm yêu cầu đó, vì thế, ít doanh nghiệp đủ điều kiện tổ chức tour du lịch mạo hiểm, đặc biệt là các công ty tư nhân, văn phòng du lịch nhỏ. Việt Nam chưa có trường, lớp nào đào tạo riêng về hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm, các doanh nghiệp lữ hành thường thuê dân bản địa dẫn khách, hay đối với tour đi xe đạp thì thuê vận động viên đua xe đạp đi cùng. Hơn nữa, để tổ chức tour du lịch mạo hiểm, các doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian để làm thủ tục (thường mất một vài tháng hoặc thậm chí hàng năm) nên tạo ra tâm lý e ngại. Ngoài ra, phương tiện cho du lịch mạo hiểm tuy đơn giản nhưng khó tìm và đắt, hầu hết đều phải mua từ nước ngoài…
Chính vì thế, để loại hình du lịch này phát triển mạnh, ngành Du lịch cần có chiến lược qui hoạch và đầu tư thỏa đáng.