Non nước Việt Nam

Hội Thập Đình Bắc Ninh

Cập nhật: 07/03/2016 08:36:55
Số lần đọc: 2245
Khóa Hội Thập Đình được diễn ra bốn năm một lần, vào những năm Thân, Tý, Thìn. Năm nay Bính Thân, Ủy ban nhân dân huyện Gia Bình tổ chức lễ hội Thập Đình từ 13-3 đến sáng 15-3-2016 (tức ngày 5-2 đến 11g30 ngày 7-2 năm Bính Thân), trung tâm lễ hội tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

    Đình thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình là nơi diễn ra lễ hội Thập Đình.

 

Xưa Hội Thập Đình có mười làng tham gia, gồm ngũ đình nội và ngũ đình ngoại. Việc phân định nội, ngoại không căn cứ vào địa giới hành chính mà xuất phát từ việc thờ cúng thành hoàng. Qua khảo sát thực tế cho thấy, tiêu chí đình nội là nơi thờ cả Tướng quân Doãn Công và Thái sư Lê Văn Thịnh làm thành hoàng, gồm Bảo Tháp, Hương Vinh, Yên Việt, Hiệp Sơn, Đông Cao; tiêu chí đình ngoại là nơi chỉ thờ một trong hai vị Tướng quân Doãn Công hoặc Thái sư Lê Văn Thịnh làm thành hoàng, gồm Cứu Sơn, Chi Nhị, Huề Đông, Trung Thành, Vân Xá.

 

Cụ Nguyễn Quang Thông 85 tuổi ở thôn Hương Vinh, thị trấn Gia Bình cho biết, hội Thập Đình có ruộng quan điền (ruộng của quan trạng Thái sư Lê Văn Thịnh) cấp cho hai thôn Bảo Tháp và Hương Vinh cày cấy để lo việc tế lễ Thập Đình. Việc Bảo Tháp được cấp bao nhiêu ruộng và mỗi thôn được cấp ruộng phải đóng góp bao nhiêu thóc cho việc tế lễ Thập Đình thì không rõ. Chỉ biết Hương Vinh được cấp mẫu rưỡi ruộng ở khu hồ sinh thái Thiên Thai, nhìn về phía cây gạo cổng đình Yên Việt. Năm 1951, Chính phủ chủ trương thu hồi ruộng công chia cho bần cố nông, gia đình cụ Nguyễn Quang Xuyến, Nguyễn Xuân Vuốt (đã mất) và cụ Nguyễn Quang Thông được chia ruộng quan điền của Hương Vinh, mỗi nhà năm sào. Cải cách ruộng đất người Bảo Tháp được chia ruộng ở đồng làng Hương Vinh, đôi bên hoán đổi cho tiện việc canh tác.

 

Đúng năm khóa hội, các làng thành viên tổ chức rước thánh về Bảo Tháp tế lễ thành hoàng. Việc tế do Bảo Tháp chủ tế và thảo chúc văn, Hương Vinh đọc chúc văn, các làng còn lại tham gia đông xướng, tây xướng và quan viên tiến lễ. Thông thường sáng mồng 5-2 tế nhập tịch, các ngày sau tế đốn, kéo dài đến sáng ngày 10-2 mới tế giã. Phần hội gồm các trò chơi truyền thống: Đấu vật, cờ bỏi, tổ tôm điếm, tam cúc điếm, trồng cây đu, chọi gà, hát tuồng, chèo… có năm hàng chục gánh hát tuồng, chèo đến xin diễn xướng.

 

Những năm gần đây, hội Thập Đình không dừng lại ở mười làng thành viên, mà thêm các làng Nội Phú (thị trấn Gia Bình), Nghĩa Thắng (Đông Cứu), Ích Phú (Song Giang), thôn Trạc Nhiệt (Quế Võ)-nơi an nghỉ cuối cùng của thân mẫu Thái Sư Lê Văn Thịnh và thôn Đình Tổ (Thuận Thành)-nơi an nghỉ cuối cùng của Thái sư Lê Văn Thịnh, xem như lễ hội vùng miền.

 

Không gian lễ hội diễn ra tại đình Bảo Tháp, Đền Thượng, Đền Hạ và khu hồ sinh thái Thiên Thai. Ông Nguyễn Văn Định, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Bình, trưởng Ban tổ chức lễ hội Thập Đình cho biết, huyện chỉ đạo các ngành hữu quan từ huyện đến cơ sở, chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ lễ hội theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, ngoài các hoạt động tại trung tâm lễ hội ở thôn Bảo Tháp, huyện còn giao Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện phối hợp Ủy ban nhân dân các xã Đông Cứu, Đại Lai, Song Giang và thị trấn Gia Bình tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nhằm tạo ra không gian mở, hấp dẫn du khách trảy hội hưởng thụ các giá trị nghệ thuật cũng như hoạt động vui chơi giải trí truyền thống và du lịch danh thắng Gia Bình, giảm mật độ quá đông ở trung tâm lễ hội, góp phần tạo dựng nét đẹp văn hóa lễ hội “Linh thiêng, hào hoa, lành mạnh, văn minh”.

Văn bản “Kế hoạch quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống Thập Đình năm Bính Thân-2016” của Ban tổ chức lễ hội huyện xây dựng, phần trình thức lễ hội thể hiện khá chi tiết: Ngày 5-2 Bính Thân, Ban tổ chức lễ hội dâng hương tại Đền Thượng, chùa Thiên Thư và Đền Hạ. Bảo Tháp mở cửa đình làm lễ mục dục, rước hai nồi nhang từ Đền Thượng, Đền Hạ về đình, tiến hành tế nhập tịch. Ngày 6-2 Bính Thân, các làng rước đến ngã ba đường Thanh Niên thôn Bảo Tháp, nhập thành một đoàn tiến theo đường 280, qua thôn Nghĩa Thắng, tới Đền Hạ, rồi tập kết trên Sân vận động trước cửa đình Bảo Tháp để làm lễ khai hội. Chiêng trống nổi lên vang động cả một vùng, trong sự giao hòa của đất trời, khí thiêng non nước hội về, báo hiệu đường xuân đã về với Gia Bình đổi mới, phát triển. Sau lễ khai hội, lãnh đạo Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc huyện Gia Bình; lãnh đạo Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch… làm lễ dâng hương đình Bảo Tháp, tưởng nhớ công đức thành hoàng, cầu cho quốc thái dân an, Gia Bình hưng thịnh, phát triển. Các làng thành viên tiến hành rước từ đình Bảo Tháp về đình làng dâng lễ thành hoàng. Việc tế lễ tại Bảo Tháp kéo dài đến sáng 7-2 Bính Thân tế giã, rước hai nồi nhang từ đình về Đền Thượng, Đền Hạ.

 

Phần hội gồm đấu vật tự do, vật truyền thồng tại sân vận động thôn Bảo Tháp từ 12 đến 15-3 (7-2 Bính Thân) và biếu diễn nghệ thuật (tối 5 và 6-2 Bính Thân). Cũng trong thời gian này, tại lòng hồ sinh thái Thiên Thai diễn ra các trò chơi dân gian: Đập niêu, đu quay, chọi gà, kéo co… tạo không khí sôi nổi của một khóa hội truyền thống sinh động, in đậm sắc thái văn hóa của Gia Bình cổ kính, văn hiến, cách mạng.

 

Dạo thăm không gian lễ hội, qua đình, đền Bảo Tháp, dừng lại bên hồ sinh thái Thiên Thai, tôi say sưa ngắm nhìn không gian sẽ diễn ra các trò chơi truyền thống trong hội Thập Đình. Bất giác, trước mắt tôi như hiện ra đoàn rước kéo dài hàng cây số, hàng ngũ chỉnh tề, cờ lọng rợp trời, sắc màu rực rỡ, chiêng trống vọng vang, ầm ầm tiến về đình Bảo Tháp, tỏa sáng tinh hoa văn hóa lễ hội, tôn vinh các giá trị văn hóa lịch sử, làm cho hay thêm, đẹp thêm những giá trị vốn có trong lễ hội Thập Đình của Gia Bình đổi mới, phát triển./

 

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT