Tin tức - Sự kiện

Tháp Bình Sơn và danh thắng Tây Thiên (Vĩnh Phúc) đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt

Cập nhật: 17/03/2016 07:44:05
Số lần đọc: 718
(TITC) – Tối ngày 14/3/2016, tại Quảng trường TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã diễn ra Lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt Di tích Kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn - Sông Lô và Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên – Tam Đảo. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và trao bằng Di tích Quốc gia đặc biệt cho tỉnh Vĩnh Phúc.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Quyết định công nhận di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên và Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn là 2 di tích quốc gia đặc biệt cho lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo 2 huyện Tam Đảo, Sông Lô (Nguồn ảnh: dangcongsan.vn)

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang nhấn mạnh đến giá trị lịch sử và văn hóa của di tích Tháp Bình Sơn và danh thắng Tây Thiên. Tháp Bình Sơn là di tích có kiến trúc độc đáo, sáng tạo, nơi hội tụ những tinh hoa của Văn hóa truyền thống Việt Nam cả về vật thể và phi vật thể, cả về Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Tháp được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật còn nguyên vẹn nhất trong số những tháp cổ của nước ta còn tồn tại đến ngày nay. Năm 1962, Tháp Bình Sơn được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Danh thắng Tây Thiên nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 70 km về phía tây bắc, là một quần thể kiến trúc cổ xưa với chùa, đền, miếu, bia đá... mang đậm dấu ấn của lịch sử và văn hóa. Nét độc đáo của văn hóa tín ngưỡng tại Tây Thiên chính là sự giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu. Năm 1991, Tây Thiên được xếp hạng di tích danh thắng cấp Quốc gia và được quy hoạch thành khu du lịch trọng điểm, trở thành điểm hẹn du lịch tâm linh đầy sức hút đối với du khách khắp các vùng, miền.

Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc cần tập trung triển khai lập quy hoạch tổng thể bảo tồn 2 di tích; xây dựng phương án cụ thể để tiếp tục bảo vệ, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa khác trên địa bàn để Vĩnh Phúc thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần giáo dục lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước của người Việt Nam. 

Thu Thủy

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT