Lễ hội văn hoá cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng 2008
Tham dự có 11 đoàn với gần 300 nghệ nhân, diễn viên là người dân tộc thiểu số, đến từ các đơn vị trong tỉnh (trừ thị xã Bảo Lộc). Mỗi đoàn tham gia trình diễn một chương trình khép kín trong 15 phút gồm: trang phục dân tộc, diễn tấu cồng chiêng và múa hát cộng đồng (múa xoang).
Những nội dung này chính là nhu cầu sinh hoạt văn hoá mang tính hàng ngày của các tộc người thiểu số như Mạ, Cơ Ho, Chu Ru, Raglai... "Bởi thế, cho dù có tổ chức liên hoan hay không liên hoan, có tổ chức lễ hội hay không lễ hội thì những sinh hoạt ấy vẫn cứ diễn ra trong đời sống của cộng đồng các dân tộc!" - nghệ nhân Ya Bach nói.
Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Liên hoan lần này có thể được xem như là "đột phá khẩu" để hằng năm, vào Ngày Di sản VN 23.11, lễ hội cồng chiêng Lâm Đồng lại được diễn ra theo cách làm mới này".
Ngoài ra, các nghệ nhân tham gia lễ hội còn giới thiệu các trò chơi dân gian và ẩm thực của các dân tộc bản địa Tây Nguyên đang sinh sống trên địa bàn Lâm Đồng như K’Ho, Mạ, Churu, M’nông như các trò chơi giã gạo, xâu hạt cườm, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, lấy nước bằng quả bầu...