Trà Vinh đón Tết Chôl Chnăm Thmây đầm ấm
Long Sơn là xã có đông đồng bào Khmer nhất huyện Cầu Ngang (chiếm gần 80 % dân số huyện), bà con đã sửa sang lại nhà cửa tươm tất để chuẩn bị đón Tết. Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn Quách Thị Thúy Phương phấn khởi: Tuy vụ lúa Đông Xuân này bị thất mùa vì thiên tai nhưng bù lại, hầu hết nông dân lại trúng mùa được giá các vụ hoa màu như dưa hấu, bí đỏ, ớt chỉ thiên,…
Long Sơn là 1 trong 6 xã đặc biệt khó khăn của huyện Cầu Ngang được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các công trình hạ tầng nông thôn, thủy lợi, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, khoa học kỹ thuật…được đầu tư xây dựng, chuyển giao đã giúp đồng bào Khmer an tâm, thuận lợi phát triển sản xuất, tăng thu nhập nên tỷ lệ hộ đồng bào Khmer nghèo giảm bình quân mỗi năm 4%. Bà Thạch Thị Danh, ở ấp Huyền Đức, xã Long Sơn chia sẻ: Huyền Đức hầu hết là gò cao, thiếu nước nên trước đây chỉ sản xuất 1 vụ lúa, trồng 1 vụ màu trong mùa mưa. Nhưng 5 năm nay nhờ chính quyền kéo điện, cho phép đóng giếng nước, chuyển giao kỹ thuật trồng màu có màng phủ nông nghiệp nên bà con chuyển sang chuyên trồng màu 3 – 4 vụ trong năm, thu nhập 80 – 150 triệu đồng/ha.
Ở xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, đồng bào Khmer chuẩn bị đón tết Chôl – Chnăm Thmây sung túc hơn. Sau 3 năm được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để thực hiện việc chuyển đổi độc canh cây lúa sang sản xuất 1 vụ lúa – 2 vụ màu đã đem lại thu nhập từ 80-90 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt mô hình Tổ liên kết trồng ngô giống kết hợp chăn nuôi bò đem lại thu nhập cao. Ông Kiên Nhơn, ở ấp Nô Lựa B cho biết, 4 năm qua ông tham gia vào Tổ liên kết trồng ngô giống được Công ty Giống cây trồng miền Nam hỗ trợ giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Bình quân, trồng 1 ha ngô giống cho lợi nhuận 35 triệu đồng /ha. Gia đình ông còn nuôi thêm 2 con bò sinh sản và tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn nên thu nhập gia đình tăng thêm 20 triệu đồng mỗi năm. Theo ông Thạch Ngọc Nghĩ, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Trường, xã đã thành lập 14 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Hơn 70 % diện tích đất canh tác đã được cơ cấu 2 vụ lúa – 1 vụ màu và 2 vụ màu – 1 vụ lúa. Toàn xã phát triển đàn bò sinh sản được hơn 3.700 con. Nhờ chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển chăn nuôi và từ những chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của đồng bào Khmer Nhị Trường đã không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc.
Ông Sơn Tươi - Phó Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: Năm 2015 thực hiện Chương trình 135, tỉnh đã đầu tư 46 tỷ đồng xây dựng 117 công trình hạ tầng kỹ thuật cho vùng đồng bào Khmer khó khăn, phục sản xuất, sinh hoạt đời sống của bà con. Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, toàn tỉnh Trà Vinh có 11.177 hộ và 603 lao động trong diện được hưởng lợi. Tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ đất ở cho 2010 hộ với diện tích hơn 772.570 m2. Đến nay, Trà Vinh cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhà ở cho hộ đồng bào Khmer khó khăn về nhà. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện nhiều chương trình lồng ghép về giáo dục, y tế, các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia…để nâng cao đời sống mọi mặt cho bà con Khmer. Nhờ vậy, đồng bào Khmer trong tỉnh đón Tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền của dân tộc trong niềm vui tươi, đầm ấm./.