Non nước Việt Nam

Sức hút du lịch văn hóa Phiêng Lơi!

Cập nhật: 28/04/2016 08:40:53
Số lần đọc: 1542
Là một bản người Thái tiêu biểu trong dự án “Phát triển du lịch văn hóa” của UBND tỉnh Điện Biên, bản Phiêng Lơi (xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) luôn được du khách thập phương dành tặng nhiều tình cảm đặc biệt, bởi nơi đây thực sự là điểm hội tụ những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái.

Cổng vào bản Phiêng Lơi luôn chào đón du khách thập phương. Ảnh QĐ
 
Phiêng Lơi-  hơi thở văn hóa đồng bào dân tộc Thái

Đến với Phiêng Lơi những ngày này, khách du lịch không những thực sự ấn tượng bởi cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hữu tình mà còn thực sự được đắm mình trong không gian mang đậm nét văn hóa dân tộc Thái.

Nằm cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 7 km về hướng Bắc, với 56 hộ dân tộc Thái và 273 nhân khẩu, bản văn hóa du lịch Phiêng Lơi được nhiều khách du lịch biết đến với những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Theo tiếng địa phương, “Phiêng” nghĩa là vị trí bằng phẳng, còn “Lơi” là cách nói chệch đi của từ lâu đời. Và tên bản Phiêng Lơi không biết tự khi nào đã chứa đựng ước mong cuộc sống định cư ổn định dài lâu của người dân nơi đây.

Cũng giống như nhiều bản người Thái khác ở Điện Biên, người dân Phiêng Lơi làm nhà sàn ở vị trí lưng tựa vào đồi, núi; mặt nhìn ra sông, suối hoặc cánh đồng. Từ xa trông lại, bản Phiêng Lơi giống như một bức tranh thủy mặc với những nếp nhà sàn truyền thống nằm san sát nhau bên dòng Nậm Rốm hiền hòa, bao quanh là núi rừng hùng vĩ trùng trùng, điệp điệp. Nổi bật trên nền xanh của cây cối và bầu trời là những nếp nhà sàn nhỏ xinh còn giữ nguyên nét kiến trúc truyền thống.

Nhà sàn ở Phiêng Lơi thường được làm bằng các loại gỗ tốt, bương, tre hoặc vầu. Trong khi kiến trúc nhà sàn người Thái ở nhiều nơi đang bị mai một dần thì điểm đặc trưng nổi bật trong kiến trúc nhà sàn ở bản Phiêng Lơi là vẫn giữ được nét trang trí độc đáo với nhiều hoa văn, hoạ tiết tinh xảo trên bậu cửa sổ, trên các tấm ván hình răng cưa làm chấn song cửa sổ… Nhà có bốn mái lợp ngói, trong đó hai mái ở hai đầu hồi nhà được kiến trúc theo hình vòm khum mai rùa. Nhà sàn có hai tầng, số gian tầng trên thường là lẻ, 3 hoặc 5 gian dành cho các sinh hoạt của gia đình chủ nhà và tiếp khách, tầng dưới làm nơi để khung dệt, nông cụ sản xuất, gỗ, củi…

Trong các dịp lễ hội, đàn ông Thái thường khoác trang phục thổ cẩm màu chàm xanh hoặc chàm đen, còn phụ nữ thường mặc áo cóm cổ liền với hàng khuy bạc đặc trưng, váy màu đen tuyền, thắt dải lưng xanh và quàng khăn piêu. Theo quan niệm dân gian Thái, hai hàng cúc bạc trên hai vạt áo cóm là tượng trưng cho sự kết hợp nam với nữ, tạo nên sự trường tồn của nòi giống. Tại Phiêng Lơi, không chỉ bảo tồn những loại trang phục truyền thống mà nhiều lễ hội; làn điệu dân ca, dân vũ; nhạc cụ; trò chơi dân gian; ẩm thực và nghề dệt truyền thống của người Thái cũng được dân bản bảo tồn nguyên vẹn, tạo nên tập quán sinh hoạt đặc trưng.

Bằng một chất giọng rất riêng, chị Quàng Thị Nơi - thành viên một gia đình ở Phiêng Lơi tham gia trong “Dự án du lịch văn hóa cộng đồng” nói với chúng tôi: "Ẩm thực đồng bào Thái ở đây cũng độc đáo lắm. Đến Phiêng Lơi mà chưa dùng cơm, chưa chạm chén rượu là chưa trọn tình với người Phiêng Lơi đâu".

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, du khách càng có điều kiện được trải nghiệm và thưởng thức những món đặc sản của địa phương. Theo chị Nơi, nguyên liệu và các loại gia vị dùng trong tất cả các món ẩm thực ở đây đều là những sản vật của núi rừng: Từ cây rau, cọng hành đến các loại thịt, cá đều do chính bàn tay của người dân địa phương nuôi trồng và được chế biến theo đúng cách thức truyền thống của người Thái. Cùng cạn những ly rượu sắn thơm lừng, du khách sẽ được tận hưởng những món ăn do tự tay mình và người dân trong bản làm như :Măng đắng chấm chẩm chéo, thịt trâu chấm nậm pịa, cá suối nướng, rau bồ công anh xào, cỏ mần trầu luộc chấm muối ớt, nụ dong riềng luộc hoặc xào… và đặc biệt là món nộm Thái với nguyên liệu chính là nụ và ngọn cây hoa ban cùng với cỏ bợ, rau má… Để rồi dư vị ẩm thực Thái mãi vấn vương trong suốt hành trình khám phá mảnh đất Điện Biên giàu truyền thống.

Cùng với cả đoàn, tôi đã dành trọn một đêm ở lại Phiêng Lơi để được hòa mình trong những điệu xòe Thái rực rỡ sắc màu. Đêm Phiêng Lơi, bên bếp lửa bập bùng trong căn nhà sàn nhỏ xinh, câu hát thay cho lời mời của những cô gái Thái sẽ đưa du khách đến với các món ăn dân tộc mang hương vị núi rừng… Trong men rượu, với những món ẩm thực lạ miệng, được thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc, đó là lúc du khách như đắm mình trong điệu xòe Thái mà xóa nhòa đi khoảng cách giữa khách và chủ, xóa hết ranh giới giữa lạ và quen… Nở nụ cười thật tươi, chị Lường Thị Thảo, một “ca sỹ” người dân tộc Thái ở bản Phiêng Lơi tâm sự: “Niềm vui của du khách khi đến với bản Phiêng Lơi chính là nguồn động viên để những người nông dân bản chúng tôi tiếp tục cố gắng làm cho món ăn ngày càng đậm đà hơn, lời hát điệu múa ngày thêm uyển chuyển, nhịp nhàng hơn”.


Đội văn nghệ bản Phiêng Lơi tham gia biểu diễn tại “Tuần lễ du lịch văn hóa Điện Biên năm 2016”. Ảnh QĐ

Lời giải cho bài toán bảo tồn văn hóa

Theo anh Lường Văn Trường, Trưởng bản Phiêng Lơi cho biết: “Trước đây cấp ủy, chính quyền xã Thanh Minh nói chung và bản Phiêng Lơi nói riêng đã rất trăn trở với việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống trong điều kiện đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Song với mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, thì “bài toán” bảo tồn văn hóa đã thực sự có được lời giải hợp lý”. Với đồng bào dân tộc Thái ở Phiêng Lơi hiện nay, bản sắc văn hóa truyền thống không chỉ là di sản cha ông mà còn là hành trang, điều kiện để từng gia đình tham gia mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, từng bước phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Cảm nhận chung của nhiều du khách, đó là sự hòa quyện giữa các sắc thái văn hóa vật thể và phi vật thể đã tạo nên nét riêng biệt rất độc đáo cho du lịch văn hóa cộng đồng ở Phiêng Lơi. Được biết những năm qua, thực hiện Đề án phát triển du lịch bền vững của tỉnh Điện Biên, bản Phiêng Lơi đã từng bước phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng đồng để đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan. Theo thống kê, đến đầu năm 2016, cả bản đã có trên 30 hộ dân tham gia loại hình du lịch văn hóa cộng đồng, trong đó 15 người đã được tập huấn nâng cao nhận thức về loại hình du lịch này. Hình thức du lịch cộng đồng ở bản Phiêng Lơi không những góp phần nâng cao đời sống cho dân bản mà còn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như: Văn nghệ dân gian, văn hóa ẩm thực, lễ hội, nghề thủ công…

Song song với việc đẩy mạnh bảo tồn, gìn giữ những di sản văn hóa vật thể, đến nay, bản văn hóa du lịch Phiêng Lơi đã thường xuyên duy trì đội văn nghệ truyền thống với gần 20 người, được lựa chọn từ những người có năng khiếu trong bản. Ban ngày, họ là những người nông dân chân chất làm nương, chăn nuôi, trồng trọt, chiều về tập hợp lại và tự luyện tập, chỉnh sửa những làn điệu múa, điệu khèn truyền thống. Để rồi khi có khách du lịch thập phương hay mỗi dịp Tết đến xuân về, họ lại cùng nhau cất cao lời ca tiếng hát, cùng thả hồn theo tiếng khèn, điệu xòe truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa quê hương… Tuy vẫn còn những hạn chế do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, ý thức của số ít người dân trong bảo vệ môi trường tự nhiên hay tính chuyên nghiệp chưa cao trong tổ chức các hoạt động du lịch…, nhưng hiệu quả của mô hình du lịch văn hóa cộng đồng ở Phiêng Lơi đã được khẳng định ngày càng rõ nét thông qua bước phát triển mọi mặt trong đời sống của người dân bản Phiêng Lơi.

Với sự quan tâm đầu tư thường xuyên của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của đồng bào dân tộc Thái chính là động lực để thúc đẩy du lịch văn hóa cộng đồng ở Phiêng Lơi ngày càng phát triển bền vững. Phiêng Lơi không chỉ là điểm đến của du khách thập phương mà còn thực sự là nơi lưu giữ, bảo tồn có hiệu quả những giá trị văn hóa vô giá của đồng bào dân tộc Thái nơi đây./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT