Non nước Việt Nam

Thừa Thiên Huế: Tổ chức Lễ Tế đàn Nam Giao

Cập nhật: 04/05/2016 08:22:13
Số lần đọc: 1643
Lễ tế đàn Nam Giao đã được tổ chức tại đàn Nam Giao thuộc phường Trường An, thành phố Huế vào hồi 00h00 ngày 29/4/2016.

Buổi lễ diễn ra dưới sự chủ trì của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và sự thừa hành của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

 

Theo quan niệm của người xưa, trời và đất là hai chủ thể sáng tạo ra nhân loại. Nói cách khác, đất trời tượng trưng cho cha và mẹ. Thế nên, dưới các triều đại phong kiến, hằng năm đều có lễ tế trời đất. Đây là nghi thức được xếp vào hàng Đại tự (lễ lớn) của quốc gia tại các nước Đông Á. Lễ tế này được gọi là tế Giao. Ngày xưa, vào tiết đông chí, vua tế trời ở Nam Giao, tiết hạ chí thì tế đất tại Bắc Giao. Khi lấy Kinh thành làm trung tâm, người xưa phân biệt Giao gồm có bốn vùng Nam, Bắc, Đông, Tây. Với quan niệm: “Thiên phúc địa tải” (đất chở trời che), từ xa xưa, con người phải cúng trời và đất để cầu “quốc thái dân an”, “thái bình thịnh trị”, và “phong điều vũ thuận” (mưa thuận gió hoà).

 

Có thể nói rằng, trong tất cả các nghi lễ thuộc hàng đại tự của triều Nguyễn, lễ tế Nam Giao được xem là quan trọng nhất. Với ý nghĩa đó, từ xưa đến nay, dẫu trong trường hợp nào, nghi lễ cũng được chuẩn bị và thực hiện rất trang trọng. Từ Festival Huế năm 2004, sau gần 60 năm vắng bóng, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phục dựng lại lễ tế Nam Giao ở đàn Nam Giao triều Nguyễn.

 

Đối với lễ hội Festival Huế, Tế Nam Giao vẫn là một điểm nhấn văn hóa mang tính bảo tồn và giáo dục cao, nhằm giới thiệu đến với công chúng trong nước và quốc tế những giá trị văn hoá cung đình đặc sắc của triều Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam./.

Nguồn: hue.vnn.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT