Non nước Việt Nam

Thăm địa đạo ở xứ Quảng

Cập nhật: 29/06/2016 08:56:35
Số lần đọc: 2834
Địa đạo Kỳ Anh là dấu ấn lịch sử của thời kỳ đấu tranh chống Mỹ cứu nước của tỉnh Quảng Nam. Nơi đây thể hiện ý chí quyết tâm, tinh thần sáng tạo, vì độc lập tự do, vì sự sống còn của quê hương của Đảng bộ, quân và dân Kỳ Anh. Ngày nay, địa danh lịch sử này đã trở thành điểm dừng chân khám phá của nhiều du khách.

Du khách nghe giới thiệu về đình Thạch Tân, nơi xuất phát của địa đạo Kỳ Anh

Địa đạo Kỳ Anh (nay thuộc xã Tam Thăng, Tam Kỳ, Quảng Nam) được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1997. Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước ác liệt nhất ở chiến trường Quảng Nam những năm 1964-1975, quân dân xã Kỳ Anh đã trường kỳ kháng chiến, anh dũng, sáng tạo trong chiến đấu, bám trụ đánh bại và tiêu diệt nhiều sinh lực kẻ thù làm cho địch hoang mang khiếp sợ. Tính sáng tạo đó được thể hiện qua việc đào địa đạo trong lòng đất, tạo nên thành đồng lũy thép của lòng dân, góp phần đấu tranh thắng lợi giải phóng miền Nam.

Địa đạo Kỳ Anh bắt đầu đào từ tháng 5/1965 và hoàn thành vào năm 1967. Tổng chiều dài địa đạo khoảng 32km, chiều rộng từ 0,5- 0,8m, chiều cao khoảng 0,8-1m; chiều dài các đoạn địa đạo tùy theo địa thế của mỗi thôn trong xã thời bấy giờ mà được đào dài hay ngắn cho phù hợp. Trong lòng địa đạo, cũng có nơi rất hẹp, chỉ thích hợp cho một người bò để di chuyển; đây là nhằm đề phòng khi địch phát hiện địa đạo, dùng hơi cay hay lựu đạn đánh phá, ta dễ dàng bịt kín ngăn đoạn còn lại để thoát tránh thương vong. Địa đạo hình dạng ô bàn cờ, quanh co uốn khúc, nhiều ngõ ngách, chạy dài men theo các lùm cây, bờ tre, kênh rạch; nhiều đoạn được đào xuyên qua nền nhà dân, qua giếng nước, gian bếp trải khắp thôn xóm trong toàn xã. Quy mô và tần suất sử dụng địa đạo hiệu quả nhất là ở thôn Thạch Tân và thôn Vĩnh Bình. Bởi nơi đây ngoài các yếu tố hỗ trợ tự nhiên như cây cối rậm rạp, kênh mương, đình, nhà dân liền kề, dưới tầng đất cát trắng còn có một lớp đất cóc ( đá ong), khó bị sụp lún. Ngày nay, địa đạo được phục dụng một số đoạn phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, khám phá của du khách cũng đều thuộc khu vực hai thôn này.

Du khách khám phá địa đạo Kỳ Anh

Địa đạo bắt đầu từ sau đình Thạch Tân (là một ngôi đình cổ thuộc thôn Thạch Tân, gắn liền với việc khai canh, khai cơ của các bậc tiền nhân nơi đây). Lợi dụng là nơi thiêng liêng của làng, cây cối rậm rạp, ít người chú ý, lực lượng giải phóng dùng làm nơi hội họp, trao đổi tin tức. Dưới nền đình là căn hầm khá rộng, ăn thông với địa đạo thoát ra mương nước cạnh giếng ông Kỳ để có thể vào làng; ra bãi sậy sông Đầm để ẩn nấp; lùm cây Rõi dùng làm nơi sơ cứu thương bệnh binh, tích trữ lương thực, thực phẩm của một vùng rộng lớn từ huyện Thăng Bình đến thị xã Tam Kỳ để chuyển lên chiến khu. Nhiều lần địch phản công càn quét, dùng xe tăng muốn kéo đổ đình, nhưng trước sự kiên cường của quân dân, đình không bị phá hoại, vẫn uy nghiêm vững chãi, dấu tích đó vẫn còn lại đến bây giờ.

Ngày nay, du khách khám phá địa đạo Kỳ Anh ngoài trải nghiệm đi dưới lòng địa đạo còn có thể tìm hiểu lịch sử đình Thạch Tân, giếng ông Kỳ, nhà liệt sĩ Phạm Sỹ Thiết, gốc cây Rõi cổ thụ hàng trăm tuổi, những chiến công hiển hách một thời của quân và dân Kỳ Anh… thông qua những nhân chứng sống một thời kể lại. Họ là những người dân chân chất một thời còn sót lại, là những thiếu niên liên lạc, là những người được quan giải phóng cứu thoát khỏi tay giặc từ địa đạo…

Không chỉ thế, viếng thăm những nhà dân lân cận, du khách sẽ được đón nhận những tình cảm nồng hậu mến khách của người dân quê nơi đây; được mời thưởng thức đặc sản hết sức dân dã do chính tay người dân nơi đây làm ra, là những khoai, sắn, lạc… Du khách còn được nghe những làn điệu dân ca một thời đã ca ngợi chiến công, khích lệ tinh thần đấu tranh của người dân địa phương; do chính những nhân chứng sống một thời, nay đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” truyền đạt.

Nguồn: Báo Du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT