Lãnh đạo TCDL tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch vùng ĐBSCL – TP.HCM
Hội nghị là cơ hội để các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tăng cường liên kết, thúc đẩy hợp tác đầu tư, đồng thời để các doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, chính sách đầu tư vào vùng ĐBSCL.
Tại Hội nghị, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP. HCM đã giới thiệu 69 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, cảng; phát triển các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu chế biến nông, lâm, thủy sản, chợ nông sản; xây dựng các khu thương mại – dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế…
Đồng bằng sông Cửu Long với thế mạnh về tài nguyên du lịch đặc thù về sông nước, miệt vườn với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, thu hút khách; là một trong 7 vùng du lịch được xác định tập trung phát triển theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với sự khác biệt về tài nguyên với các vùng miền khác trên cả nước. Bên cạnh đó, Đồng bằng sông Cửu Long cũng là nơi giao thoa của các nền văn hóa dân tộc của người Kinh, người Hoa, người Khmer và người Chăm với nhiều lễ hội quan trọng như Lễ hội Bà chúa Xứ (Núi Sam, An Giang), hội đua bò Bảy Núi (An Giang), Oóc-Om-Bóc (dân tộc Khmer), đua ghe ngo, Lễ hội Nghinh Ông... Đây là những yếu tố hết sức quan trọng, là nền tảng hình thành nên hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn vô cùng đặc sắc và giá trị.
Nhằm thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của ngành Du lịch cùng với sự phát triển kinh tế toàn diện của vùng, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đã đề xuất một số giải pháp liên kết, phát triển du lịch cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Liên kết nội vùng là giải pháp quan trọng nhất nhằm thống nhất kế hoạch chiến lược lâu dài, hợp lực trong phát triển chung, nâng cao nhận thức, năng lực từng địa phương để tạo nên chất lượng dịch vụ chung. Cùng với đó là liên kết liên vùng, thị trường khách đến vùng ĐBSCL có số lượng lớn đến từ vùng Đông Nam bộ, do đó cần liên kết với vùng Đông Nam bộ để cùng triển khai thực hiện một số hoạt động xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm trên cơ sở bổ sung lẫn nhau về sản phẩm du lịch đặc thù. Ngoài ra, liên kết với các địa phương là trung tâm gửi khách lớn như Hà Nội, TP. HCM cũng là hướng cần thiết. Vùng ĐBSCL với đặc thù lớn về đa dạng sinh học, do vậy cần thúc đẩy liên kết với các địa phương, các vùng có hệ sinh thái đa dạng khác để cùng thúc đẩy, quảng bá và phát triển du lịch xanh. Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL cần thúc đẩy liên kết với các ngành liên quan trong phát triển du lịch.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng, về cơ bản vùng ĐBSCL đã có đủ các chính sách thuận lợi, các điều kiện phát triển, các nguồn lực tài nguyên dồi dào. Trong thời gian tới, cần sự chung tay, nỗ lực, sự chủ động, tích cực của các địa phương trong vùng, vùng ĐBSCL sẽ phát triển nhanh và trở thành một vùng du lịch hấp dẫn hàng đầu của du lịch Việt Nam.
Lượng khách du lịch đến vùng ĐBSCL có tốc độ tăng khá đều đặn, tăng trung bình 11%/năm trong giai đoạn 10 năm qua. Năm 2015, toàn vùng đón trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế và trên 18 triệu lượt khách nội địa, chiếm khoảng 7,5% tổng lượng khách du lịch trên cả nước. Tổng thu từ khách du lịch của cả vùng đạt trên 8,6 nghìn tỷ đồng. |
Thanh Tâm