Hoạt động của ngành

Tổng cục Du lịch tổ chức gặp mặt lãnh đạo các Sở Du lịch, Sở VHTTDL

Cập nhật: 11/07/2016 15:27:55
Số lần đọc: 1698
(TITC) – Nhân dịp kỷ niệm 56 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam, chiều ngày 9/7/2016, Tổng cục Du lịch đã tổ chức buổi gặp mặt lãnh đạo Sở Du lịch, Sở VHTTDL của một số địa phương trọng điểm du lịch. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt

Tại buổi gặp mặt, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đã thông tin tới lãnh đạo các Sở Du lịch, Sở VHTTDL kết quả hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm. Theo đó, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành Du lịch đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng: khách quốc tế đến đạt 4,7 triệu lượt, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước; 32 triệu lượt khách nội địa, tăng 12%; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 200.000 tỷ đồng. Nhiều thị trường nguồn đã phục hồi, trong đó đáng chú ý có thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc là hai thị trường trọng điểm. Năm thị trường Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha) cũng tăng trưởng hai con số, cho thấy tác dụng của chính sách miễn thị thực vừa qua của Chính phủ.

 

Hoạt động đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong phân khúc cao cấp với sự tham gia của hàng loạt nhà đầu tư chiến lược, các thương hiệu quốc tế lớn. Công tác xúc tiến quảng bá được triển khai theo hướng tập trung, chuyên nghiệp hơn, đẩy mạnh xã hội hóa, ứng dụng e-marketing. Ngành Du lịch tập trung triển khai các giải pháp trong Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch được tăng cường cả trong quản lý lữ hành, lưu trú và hướng dẫn viên. Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra nhiều doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, trong thời gian qua cũng còn một số vấn đề làm ảnh hưởng không nhỏ tới ngành Du lịch như một số tai nạn xảy ra với khách du lịch, sự cố cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung vào tháng 4/2016, vấn đề người nước ngoài hành nghề hướng dẫn trái phép ở Việt Nam.

 

Trong 6 tháng cuối năm, ngành Du lịch sẽ tập trung nỗ lực duy trì tăng trưởng; hoàn thiện dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét; Hoàn thiện đề án “Định hướng phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” báo cáo Bộ VHTTDL, Chính phủ để trình Bộ Chính trị; Tiếp tục kiểm soát chất lượng dịch vụ, tăng cường quản lý nhà nước về du lịch; Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá; Thúc đẩy du lịch hội nhập quốc tế, trong đó chú ý tới đào tạo nghề trong ngành.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu với lãnh đạo các Sở Du lịch, Sở VHTTDL

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đề nghị lãnh đạo các Sở Du lịch, Sở VHTTDL trong thời gian tới cần tham mưu lãnh đạo UBND, Ban thường vụ tỉnh/thành ủy tiếp tục củng cố cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân sự, chức năng nhiệm vụ của các Sở quản lý du lịch, xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn và tập trung triển khai các giải pháp trong Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý lữ hành, khách sạn và hướng dẫn viên; Xây dựng quy tắc và phát động phong trào ứng xử văn minh trong du lịch; Tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến phù hợp với sản phẩm du lịch và thị trường mục tiêu của địa phương, tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh ứng dụng e-marketing gắn với bộ nhận diện thương hiệu của Du lịch Việt Nam (Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận); Nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo thống kê du lịch trên cơ sở thống nhất về phương pháp thống kê theo hướng dẫn của Tổng cục Du lịch; Đẩy mạnh hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các địa phương và Tổng cục Du lịch.

 

Lãnh đạo các Sở Du lịch, Sở VHTTDL đã nêu một số ý kiến về hiện trạng hoạt động quản lý du lịch trên địa bàn, trong đó có một số Sở Du lịch vừa được tái lập lại gần đây, đang trong thời gian kiện toàn tổ chức, nhân sự và dần ổn định hoạt động; nhu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra trong lĩnh vực du lịch; nâng cao nhận thức của các quận huyện trên địa bàn về phát triển du lịch; thiếu hướng dẫn viên, nhất là hướng dẫn viên các ngoại ngữ hiếm, chất lượng nhân lực chưa cao...

 

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chúc mừng ngành Du lịch nhân dịp kỷ niệm 56 năm ngày thành lập Ngành, đánh giá cao những thành tựu ngành Du lịch đã đạt được trong những năm qua. Bộ trưởng khẳng định Chính phủ nhìn nhận rõ vai trò của ngành Du lịch trong nền kinh tế, vai trò của các cơ quan quản lý chuyên ngành du lịch ở địa phương. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập Sở Du lịch ở 13 tỉnh, thành phố. Bộ trưởng cho rằng đây là thuận lợi và cơ hội lớn đối với du lịch nhưng đồng thời cũng là một thách thức trước yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động ngành Du lịch.

 

Việc đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn có vai trò rất quan trọng của chính quyền địa phương các cấp, các sở ban ngành. Sở quản lý du lịch cần tham mưu lãnh đạo UBND, Ban thường vụ tỉnh/thành ủy ban hành các văn bản điều phối hoạt động của các ban ngành trong phát triển du lịch. Bộ trưởng nhấn mạnh, quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch có tính chất rất đặc thù, khác với nhiều ngành lĩnh vực khác, có sự liên quan tới nhiều bên. Các địa phương cần nhận thức rõ về vị trí, vai trò cũng như cơ hội, thách thức đối với du lịch trong thời kỳ mới, phát triển du lịch là cả một quá trình để có thể thu được thành quả như mong muốn.

 

Bộ trưởng cũng yêu cầu các Sở Du lịch mới thành lập cần khẩn trương ổn định tổ chức, chủ động triển khai ngay các hoạt động để giải quyết những vấn đề nóng trên địa bàn. Cần tổ chức theo hướng tinh gọn, tập trung vào chất lượng cán bộ, nâng cao tính chuyên nghiệp.

Truyền Phương

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục