Đặc sắc Lễ hội làng rắn Lệ Mật – Hà Nội
Hội làng Lệ Mật được tổ chức hàng năm từ ngày 21-23 tháng 3 Âm lịch, hội chính diễn ra vào ngày 23 tại đình Lệ Mật, nhằm tưởng nhớ vị Thành hoàng làng Hoàng Đức Trung. Lễ hội truyền thống làng Lệ Mật được truyền lại từ nhiều năm nay với các nội dung: lễ rước nước, lễ rước văn, đặc biệt là Lễ Đả Ngư, trình diễn Múa Giảo Long, lễ đón Thập tam trại... Năm 2015, Lễ hội truyền thống làng Lệ Mật vinh dự đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Huyền thoại làng rắn Lệ Mật
Lệ Mật xưa có tên là "Trù Mật", có lẽ vì kỵ húy chúa Trịnh Chù (Trịnh Cương 1686 - 1729) nên đổi thành tên như hiện nay. Các cụ cao niên làng Lệ Mật nói rằng, nghề nuôi rắn ở đây có từ bao giờ chẳng ai nhớ rõ.
Tương truyền, vào đời vua Lý Thái Tông, có một công chúa cưng của vua thường bơi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên Đức (sông Đuống ngày nay). Một hôm, công chúa chẳng may bị đắm thuyền chết đuối, mất xác. Vua trao giải cho ai tìm thấy nhưng không người nào tìm được. Có một chàng thanh niên họ Hoàng ở Lệ Mật đã chiến đấu dũng cảm với thủy quái và cuối cùng đưa được ngọc thể của công chúa lên bờ. Vua ban thưởng cho chàng rất nhiều gấm vóc, vàng bạc, nhưng chàng từ chối tất cả, chỉ xin vua cho đưa dân nghèo Lệ Mật sang khai khẩn vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long làm trang trại.
Được vua ưng thuận, dân chúng Lệ Mật đã cùng chàng vượt dòng sông Nhị Hà (sông Hồng ngày nay) sang khai khẩn khu đất phía Tây thành Thăng Long. Vùng đất ấy dần trở nên trù phú, mở rộng thành 13 trại ấp mà sách sử gọi là khu "Thập Tam trại". Khai lập được 13 trại xong, chàng trai họ Hoàng quay về củng cố làng cũ, rất trù phú, nên gọi làng là "Trù Mật". Sau khi chàng mất, dân làng lập đình thờ và suy tôn chàng là Thành hoàng. Theo gương chàng, dân chúng làng Lệ Mật ngoài việc nhà nông còn phát triển thêm nghề bắt rắn, nuôi rắn và nghề rắn ra đời từ đó. Thời gian đầu, dân làng Lệ Mật chỉ nuôi rắn để ngâm rượu làm thuốc chữa bệnh, sau này da rắn được làm đồ mỹ nghệ như dây lưng, ví da, giày da…
Hiện nay trong làng có hàng trăm hộ nuôi rắn, hàng chục nhà hàng đặc sản rắn và có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật về rắn được tổ chức rầm rộ hàng năm. Con rắn là biểu tượng của làng, nghề rắn là nghề cơ bản, hay thậm chí là duy nhất của nhiều gia đình. Lệ Mật được đánh giá là trung tâm giao dịch về rắn của toàn miền Bắc, đồng thời là làng rắn nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới.
Tưng bừng Lễ hội truyền thống Lệ Mật
Người dân Hà Nội xưa có câu ca:
Nhớ ngày 23 tháng 3
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê
Kinh quán, cựu quán đề huề
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây
Hội làng Lệ Mật là cơ hội để hàng năm con cháu trong làng (dân cựu quán) và con cháu đi xa khai hoang bên kinh thành Thăng Long (dân kinh quán) gặp gỡ và tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên.
Như một mạch nguồn truyền thống, hàng năm vào dịp lễ hội, dân làng Lệ Mật đều tổ chức một nghi thức độc đáo là Lễ Đả Ngư (tức đánh cá). Lễ tục này được bắt nguồn từ sự tích chàng trai họ Hoàng đã xả thân đánh Giảo Long, cứu xác công chúa nhà Lý. Lễ Đả ngư là một màn trình diễn tâm linh, thông qua đó gửi lời ước nguyện tri ân của công chúa đối với vị Thành hoàng làng. Ước nguyện ấy dường như có ứng nghiệm là đêm trước đánh cá, trời thường vận mưa, để thông qua mưa gió mà chuyển cá từ Hồ Tây về Giếng Ngọc. Nhân dân địa phương ai cũng tin rằng con cá của công chúa gửi về bao giờ cũng được đánh dấu bằng chấm đỏ hoặc chấm ngả vàng ở trên lớp vẩy của thân cá.
Tục đánh cá trong hội làng Lệ Mật có từ lâu đời. Đây là một nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của hai vùng quê kinh quán, cựu quán và thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các địa phương có chung cội nguồn. Người dân nơi đây tin rằng, nếu kinh quán và cựu quán đoàn kết, làm ăn thịnh vượng thì cá thiêng hằng năm sẽ theo mây mưa mà bay từ Hồ Tây về Giếng Ngọc.
Trong những ngày hội, khắp trong đình ngoài làng đều được trang hoàng lộng lẫy, cờ quạt dàn bày đủ loại, đèn nến sáng rực, khói hương nghi ngút. Vào ngày hội chính, đại diện con cháu của 13 làng trại phía Tây thành Thăng Long xưa đội 13 mâm lễ vật mang từ kinh đô về đình làng Lệ Mật dự hội (sau này có thay đổi về địa chính nên thêm một số làng trại). Lệ làng quy định, chủ tế phải là người Lệ Mật; Vạn Phúc là anh cả của 13 làng trại, được đọc văn; Nam Hào là Tây xướng; Giảng Võ là Đông xướng; Ba trại Vạn Phúc, Kim Mã, Thủ Lệ là Bồi tế. Tuy nhiên, sự tham gia của các trại không được đều nên số lượng cũng như quy định về thành phần cũng có sự thay đổi theo từng năm. Về nhân vật chủ tế, lệ làng cũng quy định chủ tế phải là người song toàn – tức có gia thất đoàng hoàng, có đạo đức, còn sống với cụ bà. Chủ tế phải chay tịnh cả tháng trước khi vào hội.
Song song với phần lễ nghi, phần hội bao giờ cũng thu hút đông đảo người tham gia, đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian rất đặc sắc.
Theo tục lệ xưa cứ mỗi khi làng mở hội thì màn trình diễn Múa Giảo Long trở thành tâm điểm của lễ hội, nó bao quát toàn bộ thời gian, không gian của lễ hội. Múa Giảo Long có thể được coi như một hệ thống múa bao gồm nhiều vũ điệu với tiếng nói, ngôn ngữ riêng của nó. Múa Giảo Long được trình diễn trong suốt 5 ngày diễn ra lễ hội, thường vào buổi trưa khi các nghi lễ thánh đã hoàn tất. Đội hình múa Giảo Long do các nam thanh nữ tú trong làng Lệ Mật đảm nhiệm, gồm các “vai” như: Quan quân nhà Lý; Chàng trai họ Hoàng; Công chúa nhà Lý; thị nữ theo hầu; đội múa du thuyền; đội lốt Giảo Long; đội nhạc công; múa bồng, múa sênh…
Có nhiều giả thuyết khác nhau về sự ra đời của điệu múa này trong hội làng Lệ Mật. Tương truyền khi công chúa nhà Lý bị thủy quái hãm hại không thể vớt được xác, chàng trai làng Lệ Mật đã xung phong đi vớt xác công chúa với bao gian nguy khó khăn. Do đó, dân làng Lệ Mật đã sáng tạo nghi lễ Múa Giảo Long dựa theo các giai thoại, truyền thuyết xung quanh vị Thành hoàng làng. Như thế nghi lễ Múa Giảo Long xuất hiện có ý nghĩa rất nhân văn, xuất phát từ tình cảm rất sâu nặng của nhân dân với Thành hoàng làng./.