Hoạt động của ngành

Tìm hướng đi cho du lịch văn hóa tâm linh ở Tây Ninh

Cập nhật: 10/08/2016 08:54:00
Số lần đọc: 1037
Tây Ninh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa tâm linh với nhiều địa danh nổi tiếng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngành du lịch tỉnh vẫn chưa thể tạo ra những đột phá riêng để phát triển “ngành công nghiệp không khói”, nhất là về du lịch văn hóa tâm linh.


Chùa Điện Bà trên núi Bà Đen, điểm thu hút du khách và người hành hương tại Tây Ninh.

Lãng phí tiềm năng

Tây Ninh là một tỉnh miền Đông Nam Bộ, có vị trí địa lý khá thuận lợi; nằm trên tuyến đường xuyên Á kết nối TP Hồ Chí Minh với các nước ASEAN. Núi Bà Đen nằm ở cách trung tâm thành phố Tây Ninh 11 km về phía đông bắc, trên tuyến đường từ thành phố đi hồ Dầu Tiếng (hồ nhân tạo có nhiều đảo rộng nhất Đông - Nam Á với 27.000 ha), đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (năm 1989) với diện tích khoanh vùng khoảng 2.400 ha, trong đó có hơn 170 ha rừng nguyên sinh cùng nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như: Điện Bà hay Linh Sơn Tiên Thạch Động, ở độ cao 350m, khu vực này có chùa Thượng (chùa Bà), chùa Hang và chùa Trung ở chân núi Bà Đen, từng là nơi Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh tổ chức hội nghị xây dựng lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1945; động Kim Quang, động Cây Da và hang Đất là căn cứ của huyện ủy Tòa Thánh từ năm 1960; đỉnh núi Bà có căn cứ truyền tin của Mỹ xây dựng từ năm 1965 ghi dấu nhiều chiến công của quân dân Tây Ninh... Không gian du lịch núi Bà Đen cũng gắn liền với hồ Dầu Tiếng, thành phố Tây Ninh, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh và di tích lịch sử Dương Minh Châu. Với những thế mạnh, tiềm năng đó, khu du lịch núi Bà Đen được ngành du lịch địa phương cũng như cả nước xác định có vị trí quan trọng trong phát triển du lịch không những của tỉnh, vùng mà còn là của cả nước.

Tiềm năng là thế nhưng suốt nhiều năm qua, nguồn tài nguyên “độc quyền” này dường như vẫn chưa “thức giấc” để vực dậy ngành du lịch, vốn được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và trọng điểm của tỉnh. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, hiện nay nguồn thu trực tiếp từ du lịch tại khu vực núi Bà Đen chỉ chiếm 26% trong tổng nguồn thu từ du lịch của Tây Ninh và trong con số này thì có đến 70% nguồn thu là từ dịch vụ cáp treo, máng trượt. Nhiều năm nay, quan điểm trong phát triển du lịch của Tây Ninh là lấy sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh là sản phẩm chủ lực trên cơ sở liên kết với các tiềm năng phát triển du lịch khác của tỉnh nhưng cũng chừng ấy năm hệ thống cơ sở vật chất du lịch ở núi Bà Đen gần như “dẫm chân tại chỗ”. Hiện khu vực núi Bà Đen không còn cơ sở lưu trú du lịch nào đang hoạt động. Trước đây có một số nhà nghỉ nhưng do kinh doanh không hiệu quả nên đã dừng hoạt động. Trong khu du lịch có một số nhà hàng ăn uống, tuy nhiên chỉ có nhà hàng nổi ở Bờ Hồ có quy mô tương đối lớn. Các cơ sở khác chỉ là các quán ăn nhỏ nằm dọc các đường lên chùa chính từ khu vực trung tâm đón tiếp. Nhìn chung chất lượng dịch vụ không cao, chỉ là các cơ sở bình dân phục vụ khách hành hương. Các ki-ốt bán hàng chạy dọc theo các tuyến lên núi, bán chủ yếu các sản vật địa phương, đồ lưu niệm, nước giải khát, đồ ăn bình dân, song cũng chỉ là những công trình xây dựng tạm, không kiên cố… Mỗi năm, khu du lịch núi Bà Đen và Tòa Thánh… thu hút khoảng ba triệu người đến tham quan, hành hương. Mặc dù có tăng về lượng nhưng về chất, các hoạt động về du lịch, trong đó du lịch văn hóa tâm linh vẫn chưa có nhiều sự chuyển biến nào đáng kể. So với các địa phương khác trong vùng Đông Nam Bộ, ngành du lịch của Tây Ninh chỉ đứng ngang và nhỉnh hơn so với Bình Phước về lượng khách đi du lịch trong khi về tiềm năng, lợi thế thì Tây Ninh lại hơn hẳn.

Cần hướng đi mới

Để những địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh của Tây Ninh trở thành những địa điểm thu hút du khách, Chính phủ cũng đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Quy hoạch này nhấn mạnh đến việc phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn và có khả năng cạnh tranh cao, trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về du lịch văn hóa - tâm linh, kết hợp đầu tư khai thác phát triển các loại hình du lịch vui chơi giải trí, khám phá, thể thao và nghỉ dưỡng. Từng bước hình thành các sản phẩm du lịch liên kết trong tỉnh như: kết hợp tham quan Tòa thánh Tây Ninh, tham quan mua sắm tại các cửa khẩu, kết hợp với tham quan hồ Dầu Tiếng và căn cứ Trung ương Cục miền Nam... Quy hoạch cũng đặt ra các chỉ tiêu: Năm 2020 đón khoảng bốn triệu lượt khách du lịch. Phấn đấu đến năm 2030 đón trên sáu triệu lượt khách du lịch, trong đó, tỷ trọng khách lưu trú ngày càng tăng cao.

Để đạt được những mục tiêu đó, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen được lập thành các khu chức năng gồm: Khu tâm linh - lễ hội; khu trường bắn thể thao; khu công viên đô thị; khu tổ hợp du lịch Ma Thiên Lãnh; khu công viên vui chơi giải trí tổng hợp; khu làng du lịch cộng đồng Khedol và khu trường đua xe mô-tô và ô-tô địa hình. Đồng thời Thành lập Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen để thống nhất quản lý mọi hoạt động đầu tư, phát triển, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, thắng cảnh. Hiện tại, việc kêu gọi đầu tư vào các dự án này cũng đang gặp nhiều khó khăn vì các nhà đầu tư chưa mặn mà với những điều kiện cơ chế, cơ sở hạ tầng tại đây.

Tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực tập trung khắc phục những hạn chế, trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển du lịch ở các khu vực trọng điểm như tập trung phát triển khu vực núi Bà Đen; triển khai có hiệu quả, hấp dẫn các chính sách, cơ chế ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu du lịch, các khách sạn cao cấp trên địa bàn, đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch để xây dựng hạ tầng về giao thông. Một yếu tố quan trọng để ngành du lịch cất cánh chính là yếu tố nguồn lực. Có vẻ, Tây Ninh đang thiếu một "thuyền trưởng" để hoạch định những chiến lược hiệu quả trên cơ sở những tiềm năng sẵn có để du lịch của tỉnh đi đúng hướng và phát triển. Ngoài ra, đội ngũ nhân lực để phục vụ cho ngành "công nghiệp không khói" này cũng đòi hỏi nhiều khắt khe nên các ngành chức năng cần có những chiến lược phù hợp để vận hành một cách khoa học và hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch hiện có trong tương lai.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục