Tin tức - Sự kiện

Bạc Liêu: Khai mạc Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” 2016

Cập nhật: 15/09/2016 08:26:17
Số lần đọc: 1810
Tối ngày 12/9/2016, tại TP. Bạc Liêu, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức khai mạc Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” năm 2016. Đây là lễ hội cấp tỉnh được tổ chức định kỳ hai năm một lần vào dịp kỷ niệm bản “Dạ cổ hoài lang” ra đời.

Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” năm 2016 diễn ra từ ngày 12 - 15/9/2016 (tức ngày 12 đến 15/8 âm lịch) với các hoạt động phong phú hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thú vị, ấn tượng đối với những người mộ điệu sân khấu cải lương. Lễ hội gồm: Lễ dâng hương tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Khai mạc lễ hội “Dạ cổ hoài lang”, Lễ giỗ tổ sân khấu cải lương, Bế mạc lễ hội “Dạ cổ hoài lang”.

Ngoài ra, còn có một số hoạt động vui chơi, giải trí như: Hội chợ công nghiệp - thương mại tỉnh Bạc Liêu; Hội thi ẩm thực; Liên hoan Đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu - SócTrăng - Cà Mau mở rộng; Thi đối đáp bản “Dạ cổ hoài lang”, vọng cổ, ca cổ, hò, vè, thơ ca; Chương trình công diễn trao giải thưởng Liên hoan Đờn ca tài tử.

Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” năm 2016 cho biết, Bạc Liêu tự hào là nơi sản sinh ra bản Dạ cổ hoài lang và cũng là một trong những cái nôi của Đờn ca tài tử Nam bộ, một loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại…

Lễ hội năm nay được tổ chức vào dịp kỷ niệm 97 năm ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang nhằm tôn vinh giá trị diệu kỳ của bản Dạ cổ hoài lang.Từng câu hò điệu lý, từng cung bậc của đờn ca tài tử đã thấm đậm vào đất và người Bạc Liêu, đã tạo nên những nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng, với những sáng tác có giá trị, góp phần phát triển nền nghệ thuật âm nhạc của dân tộc. Một chút xốn xang, một chút hoài niệm, một chút buồn man mác là tấm lòng của người Bạc Liêu, của giới nghệ nhân, nghệ sĩ tri ân công lao của các bậc tiền bối, trong đó có cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - cha đẻ của bản Dạ cổ hoài lang, người đặt nền móng cho quá trình ra đời, phát triển bản vọng cổ Bạc Liêu và sân khấu cải lương Nam Bộ. Đồng thời, lễ hội còn là dịp để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân địa phương và du khách gần xa./.

Nguồn: langvietonline.vn/

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT