Khai hội chùa Keo mùa Thu 2016 với nhiều nghi thức truyền thống
Lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức của Quốc sư Dương Không Lộ (1016-1094) và những người có công xây dựng chùa Keo; phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, tham quan du lịch và hưởng thụ các giá trị văn hóa của du khách thập phương, góp phần nêu cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Lễ hội chùa Keo mùa Thu năm 2016 được tổ chức theo nghi thức truyền thống với các hoạt động như khai chỉ mở cửa đền Thánh (khai môn hội); Tế lễ Phật thánh trong nội tự chùa; rước kiệu Đức thánh tại khu vực đền Thánh, Tam quan ngoại...
Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa thể thao mang tính cố kết cộng đồng như du thuyền hát giao duyên trên hồ trước cửa tam quan nội, thi kéo co, thi têm trầu cánh phượng, thi chọi gà...
Chùa Keo (tên chữ là Thần Quang Tự), gồm 2 cụm kiến trúc: chùa, nơi thờ Phật và Đền thánh, thờ thánh Dương Không Lộ (1016-1094) - vị đại sư thời nhà Lý đã có công dựng chùa.
Thiền sư Dương Không Lộ, người làng Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) nối đời làm nghề đánh cá. Năm 29 tuổi, ông đi tu.
Năm 1060, ông sang Tây Trúc tu luyện về đạo Phật. Đến năm 1061, dưới thời vua Lý Thánh Tông, ông trở về nước và dựng chùa Nghiêm Quang (tiền thân của chùa Keo ngày nay). Ông đã đi nhiều nơi vùng đồng bằng Bắc Bộ để dựng chùa, truyền bá Phật pháp và được suy tôn là vị tổ thứ 9 của phái thiền Việt Nam. Do đã từng chữa khỏi bệnh cho Vua Lý Thánh Tông nên ông được Vua phong làm Quốc sư triều Lý.
Năm 1611, do sông Hồng bị sạt lở, một trận lũ lớn đã cuốn trôi ngôi chùa này. Năm 1632, chùa được xây dựng lại.
Trải qua gần 400 năm, đến nay chùa Keo vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc, cấu trúc độc đáo, đặc sắc có từ thế kỷ 17. Tổng thể chùa Keo hiện nay có 17 công trình với 128 gian. Nổi bật trong khuôn viên chùa Keo là những công trình kiến trúc như: Tam quan, Chùa Phật, Điện Thánh, tòa giải vũ, khu tăng xá, vườn tháp...
Đặc biệt, gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam, đây là biểu tượng văn hóa, tâm linh của tỉnh Thái Bình.
Năm 2012, chùa Keo được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt. Mỗi năm, tại đây có 2 lần mở hội: Hội Xuân vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán và Hội mùa Thu (lễ hội chính) diễn ra vào tháng 9 (Âm lịch).
Ước tính mỗi năm có hơn 2.500 lượt du khách tới tham quan, chiêm bái tại chùa Keo.
Lễ hội chùa Keo mùa Thu năm 2016 diễn ra đến hết ngày 15/10 (tức ngày 15/9 âm lịch)./.