Mông Phụ (Hà Nội) - Biểu tượng truyền thống của làng quê Việt
Cổng làng - nơi lưu giữ hồn quê xứ Đoài
Trong kiến trúc Việt cổ, cổng làng được hiểu như là cánh cửa của một ngôi nhà. Theo đó, kiến trúc này như một dấu hiệu đánh mốc trong với ngoài không gian làng và là một nghi thức trong cấu trúc không thể thiếu của một ngôi làng. Cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào thời Hậu Lê, năm 1553, đời vua Lê Thần Tông.
Với người dân Đường Lâm, hình ảnh chiếc cổng làng đã trở nên rất đỗi thân quen, gần gũi trong tâm thức của họ. Đây là nơi phân cách cánh đồng làng với khu vực người dân đang sinh sống. Người đương thời sống sau cái cổng làng và người quá cố được an nghỉ bên ngoài cổng làng. Có thể thấy, cổng làng có vị trí rất quan trọng trong đời sống thực cũng như đời sống tâm linh của người dân Đường Lâm xưa.
Cũng như những công trình kiến trúc truyền thống khác, phép chọn phương hướng để xây cổng làng bị chi phối bởi thuật phong thủy. Cổng làng Mông Phụ được coi là cổng chính của Đường Lâm, quay mặt về hướng Đông Nam, chếch phía Tây là núi Tổ (núi Tản Viên). Các bậc tiền bối xứ Đoài cho biết, Đông Nam là hướng của gió lành, hướng của mặt trời mọc - hướng phát triển mạnh mẽ, con cháu mai sau sẽ thịnh vượng. Và cũng bởi quay hướng Đông Nam nên giữa trưa hè oi bức, không gian của cổng vẫn mở ra như ống thông gió, hút theo đó những hương vị của cây trái làng quê.
Là nơi phân cách với cánh đồng quê, chiếc cổng làng Đường Lâm hàng ngày “túc trực”, chờ đón người đi làm đồng về. Đây cũng là nơi đầu tiên làng dành đón khách lạ, quan kinh lý, người đăng khoa đỗ đạt, những con dân của làng làm ăn xa quê trở về trong dịp Tết đoàn viên. Những gì mà làng tiếp nhận chính là sự sống, là phúc - lộc. Có thể thấy, ý thức dựng làng, giữ làng để phát triển cho đời sau đã đi vào tâm thức biết bao thế hệ người dân xứ Đoài.
Cổng làng Mông Phụ là một công trình trong quần thể di tích của Đường Lâm, được kết hợp hài hòa với đường làng, cây đa, giếng nước, ao đình, lũy tre xanh và cánh đồng lúa mênh mông. Bao quát quanh cổng là một không gian rộng và thoáng. Một bên cổng làng là cây đa, tương truyền đã hơn 400 năm tuổi và xa xa là hàng dừa xanh mướt, tựa như các cô gái làng đang nhẹ nhàng thả dáng. Với những người con Đường Lâm làm ăn nơi xa, lâu ngày trở lại thăm quê, nhìn thấy cây đa làng thấp thoáng từ xa, họ đã xốn xang vì biết sắp sửa về đến mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Và khi bước chân qua cánh cổng làng, họ như đã đạt được sự bình yên trong tâm hồn.
Dấu ấn văn hoá trên cổng làng Mông Phụ
Thông thường, cổng làng truyền thống chỉ làm một lối xây vòm (cuốn tò vò) hoặc vuông góc, trên làm mái. Cổng làng Mông Phụ lại mang nét kiến trúc độc đáo nhà hai mái dốc nằm ngay trên đường vào làng, được dựng theo kiểu “thượng gia hạ môn” (trên là nhà, dưới là cổng). Cổng làng Mông Phụ có trụ đỡ mái và đầu nóc, bên trong có khung gỗ, kèo, hoành, rui. Những chiếc hoành tròn gác trên hai bộ vì “chồng giường, kẻ truyền” tạo nên hai mái cân kiểu nhà tiền tế. Hai mái chảy của cổng làng lợp ngói ri. Bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc là hai đầu đinh. Chồng rường, hạ bảy trên mặt bằng ba hàng chân cột (một cột cái, hai cột quân), nối hai đầu cột quân là xà ngang, dưới xà ngang là hệ thống con tiện song làm thêm câu đối vinh danh hoặc ca tụng lịch sử - văn hóa của làng. Tất cả điều hay, điều tốt đẹp đều được các bậc túc nho viết thành câu đối khắc trước cổng.
Với truyền thống văn hóa và lịch sử lâu đời, người dân Đường Lâm đã khắc những câu đối đầy ý nghĩa nơi cổng làng. Tại cổng làng Mông Phụ xứ Đoài, ở câu đầu bên tả khắc dòng chữ dịch ra là: “Kỷ Mão mạnh hạ sắc chỉ”, nghĩa là năm Kỷ Mão làng dựng cổng làng. Căn cứ vào nội dung này mà các nhà nghiên cứu đã xác định được niên đại tương đối chính xác của cổng (năm 1553). Câu đầu bên hữu ghi “Thế hữu hưng nghi đại”, với nghĩa là: cần phát huy kế tục những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của làng quê (tinh thần hiếu học, đoàn kết, thượng võ) và cuộc đời muốn được hưng thịnh cần phải thích nghi. Có thể nói, nội dung lời dặn dò của các bậc tiền nhân ở làng Đường Lâm đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Một trong những dấu ấn đặc biệt ở cánh cổng làng xứ Đoài là các con số. Ai đã từng đến thăm Đường Lâm, sẽ thấy số 3 và số 11 lưu dấu trên cánh cổng làng Mông Phụ: 11 song, 11 bản và 3 hàng chân, 3 nẹp sắt, 3 then tàu, 3 chấm tròn. Thuật phong thủy cho rằng, số 11 (theo tư duy 11: 11) là con số tượng trưng cho năng lực tinh thần và số 3 là một con số đặc biệt. Nêu ngươì nào có số hộmêṇ h là “3” thì người đó sẽ được hưởng một cuôc sống đaị diên cho sự bất diêṭ … Với những ý nghĩa nêu trên, số 3 và 11 trên cổng làng Mông Phụ được tạo ra không chỉ đáp ứng yêu cầu về mặt kiến trúc mà còn có ý nghĩa phong thủy và tâm linh sâu sắc.
Cổng làng từ lâu đã trở thành một công trình văn hóa đặc sắc và luôn tồn tại trong tâm khảm người Việt như là một biểu tượng của văn hóa cộng đồng. Đến với Đường Lâm, sự bình dị của chiếc cổng làng Mông Phụ hiện ra như một lời chào thân thiện của người dân xứ Đoài dành cho du khách, đưa họ bước vào khám phá ngôi làng cổ với cuộc sống mộc mạc, yên bình. Gần nửa thiên niên kỷ đã trôi qua, nhưng những dấu ấn lịch sử - văn hóa của Đường Lâm xưa vẫn còn in đậm nơi cổng làng như một nét đẹp của văn hóa dân tộc./.