Hoạt động của ngành

Tổng cục Du lịch họp báo về kết quả hoạt động 10 tháng đầu năm

Cập nhật: 07/11/2016 08:21:33
Số lần đọc: 1275
(TITC) – Trong cuộc họp báo diễn ra sáng ngày 4/11/2016, Tổng cục Du lịch đã thông tin tới báo chí về những kết quả đã đạt được trong 10 tháng qua, trong đó nhiều nhiệm vụ quan trọng đã được ngành Du lịch triển khai.

Trong 10 tháng đầu năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt  8,077 triệu lượt, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015; khách du lịch nội địa ước đạt 53,3 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 331.500 tỷ đồng, tăng 19,1%.

Nhiều nhiệm vụ quan trọng đã và đang được ngành Du lịch triển khai trong thời gian qua, trong đó đáng chú ý là: Xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Du lịch (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV; Hoàn thiện đề án “Phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị; Triển khai các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch; Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra giám sát trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành và quản lý hướng dẫn viên; Hoàn thiện hồ sơ thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển Du lịch, trình Thủ tướng Chính phủ; Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch...

Đặc biệt, ngành Du lịch đang quyết liệt triển khai Chiến dịch nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú trên toàn quốc, qua kiểm tra đã ra quyết định thu hồi hạng sao đối với 23 khách sạn 3-4 sao không đạt tiêu chuẩn. Chiến dịch được thực hiện nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của xã hội, các doanh nghiệp trong ngành nhằm duy trì tiêu chuẩn phục vụ, đảm bảo uy tín, thương hiệu chất lượng dịch vụ du lịch.

Các địa phương đã chủ động ban hành các chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các hoạt động của doanh nghiệp, thu hút đầu tư du lịch. Hàng loạt hệ thống cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí mới, hiện đại đạt đẳng cấp quốc tế được đầu tư và đưa vào hoạt động.

Trong 2 tháng cuối năm, ngành Du lịch tiếp tục duy trì thúc đẩy tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa. Dự kiến năm 2016, Việt Nam sẽ đón và phục vụ 9,7 triệu lượt khách quốc tế, 62 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 400.000 tỷ đồng.

Tại buổi họp báo, Tổng cục Du lịch đã thông tin về tình hình chuẩn bị triển khai thí điểm cấp visa điện tử cho khách du lịch quốc tế dự kiến từ ngày 1/1/2017. Theo đó, khách du lịch đến Việt Nam có thể tự đăng ký cấp visa qua mạng internet mà không cần qua các cơ quan giới thiệu hay bảo lãnh, việc thanh toán cũng trở nên dễ dàng, thuận tiện, thời gian thực hiện cấp visa điện tử dự kiến trong vòng 3 ngày. 

Nhân dịp này, Tổng cục Du lịch đã giới thiệu website mới quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài bằng ngôn ngữ tiếng Anh tại địa chỉ www.vietnamtourism.vn - đây là một dự án hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp hướng tới các thị trường quốc tế trọng điểm nói tiếng Anh với nội dung tập trung vào hoạt động thương mại du lịch và các thông tin hữu ích về điểm đến, nguồn tài nguyên du lịch của Việt Nam.

Trả lời vấn đề các phóng viên quan tâm liên quan tới các nội dung cơ bản trong Đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết hiện Đề án đã trình Chính phủ để trình Bộ Chính trị xem xét thông qua. Dựa trên những đánh giá về thành quả đạt được cũng như những hạn chế của ngành Du lịch, Đề án được xây dựng dựa trên 5 quan điểm chính, đặt ra mục tiêu đến năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đón 16-17 triệu lượt khách quốc tế, 75 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 32-33 tỷ USD, tạo ra 3,5 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trong ngành. Đề án đề ra 8 nhóm giải pháp, trong đó sẽ đề xuất tập trung triển khai ngay một số giải pháp như: Chính sách tạo điều kiện thuận lợi về đi lại cho khách du lịch; Tăng cường nguồn lực đầu tư vào hoạt động xúc tiến quảng bá một cách hiệu quả; Tăng cường quản lý điểm đến, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; Nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch; Kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cũng cho biết đã hoàn thành đề án trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó đề xuất quỹ sẽ được huy động từ một phần là nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, cùng với đó là một phần từ phí cấp visa, phí tham quan tại các điểm du lịch, phí thu từ khách sử dụng dịch vụ lưu trú, đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp du lịch và các nguồn thu hợp pháp khác. Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được kỳ vọng sẽ góp phần tạo bước đột phá, cải thiện cơ bản công tác xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam.

Về các chính sách visa và những kỳ vọng từ các chính sách này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng việc đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và là một giải pháp hữu hiệu để thu hút khách quốc tế. Cùng với chính sách miễn visa, việc cấp visa điện tử đã trở thành xu hướng phổ biến trên toàn cầu. Thực hiện cấp visa điện tử là một công cụ giúp cho quy trình làm thủ tục cấp visa trở nên nhanh chóng và tiện lợi, đồng thời giúp Việt Nam hội nhập quốc tế một cách dễ dàng hơn thông qua việc tiếp cận tiến bộ công nghệ.

Thanh Tâm

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục