Tin tức - Sự kiện

4 thách thức của ngành du lịch

Cập nhật: 15/12/2008 15:12:18
Số lần đọc: 1793
Theo Tổng cục Thống kê, tính riêng trong tháng 11/2008, có gần 280.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 5,7% so với tháng 10/2008 và giảm 22,1% so với tháng 11/2007.

11 tháng qua, Việt Nam mới thu hút được khoảng 3,9 triệu lượt khách quốc tế. Vì vậy, chỉ tiêu của Bộ Văn - Thể thao và Du lịch, năm 2008 Việt Nam đón 4,8-5 triệu lượt khách quốc tế khó trở thành hiện thực.

 

Một số hãng hàng không chính thức giảm các chuyến bay đến Việt Nam hay ngưng hoạt động như hãng hàng không Hong Kong, Jetstar Aisa và Quatas là những dấu hiệu cho thấy rõ làn sóng của sự suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng tới ngành du lịch Việt Nam. Suy thoái kinh tế khiến du khách lựa chọn những điểm đến gần hoặc những nơi giá rẻ. Nhiều nước Đông Nam Á đã kịp thời điều chỉnh chính sách vĩ mô nhằm bình ổn giá tour, trong khi ở Việt Nam, khách sạn tăng giá vô tội vạ dẫn đến giá tour ở Việt Nam tăng 30% so với 2007.

 

Ông Baro R Ah Moo, Trưởng Nhóm công tác du lịch cho rằng, trong tình hình hiện nay, du lịch Việt Nam phải vượt qua được 4 thách thức chính để tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.

 

Thứ nhất, là công tác tiếp nhận đơn xin giải quyết và chấp thuận cấp thị thực nhập cảnh (visa). Theo phản ánh của những đơn vị kinh doanh du lịch, đây là trở ngại lớn nhất cho việc biến Việt Nam thành một điểm đến du lịch toàn cầu. Theo số liệu tính toán, GDP của ngành du lịch đã bị thiệt hại khoảng 10%, ước tương đương với 350 triệu USD, do du khách không chắc chắn sẽ được chấp thuận nhập cảnh vào Việt Nam. Vì vậy, theo Nhóm công tác du lịch, Việt Nam nên đẩy nhanh quy trình giải quyết như: cấp thị thực tại nơi đến và nhận cấp thị thực qua mạng.

 

Thứ hai, du khách quốc tế bay vào Việt Nam trên những chuyến bay nước ngoài phải đặt vé trên những chuyến bay nội địa trước hơn 30 ngày. Tình trạng này đặt Việt Nam vào thế bất lợi trước sự cạnh tranh trong vùng. Ông Baro R Ah Moo cho rằng, Việt Nam nên yêu cầu các hãng hàng không thông báo thời biểu và danh sách toàn bộ các chuyến bay qua hệ thống GDS (hệ thống phân phối toàn cầu) ít nhất trước 6 tháng.

 

Thứ ba, việc ban hành và thực thi thông tư của Nghị định 29 về đặt văn phòng đại diện của các nhà cung cấp dịch vụ du lịch nước ngoài ở Việt Nam 2 năm trôi qua vẫn chưa có tiến triển. Điều này khiến các nhà cung cấp dịch vụ du lịch hiểu rằng, họ không thể thành lập những văn phòng đại diện để hỗ trợ phát triển số lượng khách đến Việt Nam.

 

Thứ tư, Việt Nam phải đẩy mạnh kinh doanh và tiếp thị. Thời gian gần đây, tính hấp dẫn của Việt Nam với danh tiếng là một địa điểm nghỉ ngơi lý tưởng đã bị các phương tiện truyền thông làm lu mờ với những thông tin về lạm phát cao, cơ sở hạ tầng yếu kém và giá phòng tăng cao. Vì vậy, Việt Nam cần khởi động một chiến dịch quảng bá những thế mạnh, tốc độ tăng trưởng nhanh, sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là con người và nền văn hóa Việt Nam./.
Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT