Cốm Nà Pò - đặc sản Cao Bằng
Từ tháng 5 âm lịch, người Tày ở Cao Bằng đã bắt đầu trồng lúa nếp. Người ta thường lấy thửa ruộng tốt nhất để cấy lúa nếp cái. Trước khi cấy một ngày, họ nhổ mạ và chuyển mạ ra ruộng.
Người Tày quan niệm được một thiếu nữ trẻ đẹp cấy cho vài khóm mở đầu làm phép, sau đó gia chủ mới cấy, thì lúa sẽ lên xanh tốt và hạt lúa khi làm cốm sẽ ngon hơn!
Khi thu hoạch, tầm đầu tháng 8 âm lịch, lúa nếp phải chưa quá già, còn vị sữa. Khi lúa đã vàng đuôi bông, đến công đoạn gặt lúa, lúc này người Tày chỉ chọn gặt những bông to, mẩy đều. Nếu gặt lúa quá non cốm sẽ bị nát, lúa quá già cốm sẽ cứng. Trong lúc chị em đi gặt lúa, đàn ông ở nhà khơi lò, chẻ lạt, bổ củi, làm sàn gác sấy cốm, chuẩn bị cối, máng chày tay…
Để làm ra được những hạt cốm xanh, thơm ngon, phải qua rất nhiều công đoạn. Hạt thóc tuốt xong, rửa sạch nhiều lần đến khi nước không còn đục bẩn, vớt hết những hạt thóc lép nổi trên mặt nước. Rồi đổ thóc nếp vào luộc trong một chiếc nồi to, suốt 1 tiếng, vừa luộc vừa chú ý đảo cho hạt thóc chín đều.
Khi hạt thóc chín, rải hạt thóc ra cho ráo. Thóc khô thì cho vào cối giã. Giã cốm là công đoạn quan trọng nhất và được thực hiện tới 3 lần. Lần một là khi vừa luộc xong. Lần giã thứ hai là sau khi rang. Mỗi mẻ cốm sẽ được rang bằng bếp củi khoảng 30 phút, để lửa vừa. Rang xong sẽ xát, sàng cho vỏ trấu tách khỏi hạt, rồi cho hạt vào cối giã từ lần thứ 3 từ 30 - 40 phút mỗi mẻ.
Cứ vào đầu tháng 8 âm lịch, khi tiết trời vào thu thì người dân Nà Pò lại làm cốm, vừa để ăn, để bán, vừa làm quà cho họ hàng ở phương xa. Đặt chân lên Cao Bằng, nếu chưa từng thưởng thức hương vị cốm, bạn đã bỏ qua nét văn hóa ẩm thực riêng có của mảnh đất này./.