Chùa cổ Bửu Lâm - Điểm tham quan du lịch văn hóa tâm linh
Ngôi chùa cổ ở đồng bằng sông Cửu Long
Ra đời trong khoảng cuối thế kỷ XVII, chùa Bửu Lâm từng có hàng trăm tượng phật (trong đó có hàng chục tượng được làm bằng cây mây), nhiều liễn đối, hoành phi chạm trổ tinh vi, chuông, ấn, lư đồng cổ xưa,... Tính đến nay, chùa đã trải qua 12 đời trụ trì; đào tạo được nhiều thế hệ tăng sĩ, trong đó có nhiều vị đã hoằng hóa, khai sơn, trụ trì nhiều chùa ở khắp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Chùa cổ Bửu Lâm
Hiện nay tại chùa Bửu Lâm, ngoài bảo tháp chỉ còn có linh vị thờ ở hậu tổ là có liên quan đến vị tổ khai sơn (Tổ Thiện Châu - hòa thượng thuộc phái thiền Trúc Lâm - Yên Tử). Theo một số giấy tờ còn lưu giữ tại chùa, thế danh của Tổ Thiện Châu là Lê Kiên Nhẫn, người miền Trung, sinh sống ở thôn Tân Đông, huyện Vĩnh An, trấn Vĩnh Thanh (sau tách ra thành Vĩnh Long và An Giang). Tổ được sinh ra vào năm 1586, trong một gia đình nông dân nghèo. Ông siêng năng, cần cù làm ăn, có bản tính chân thật, cương trực, hay giúp đỡ người nghèo khó nên được bà con thương mến. Do hoàn cảnh, ông ăn chay từ nhỏ, dần dần ăn chay trường. Nhờ có một cư sĩ truyền dạy Phật pháp, năm 25 tuổi, ông khởi tâm phát nguyện tu học để tìm chân lý của Phật.
Vào một đêm Rằm tháng 6, ông bước xuống một chiếc bè tre có sẵn lương khô và nước uống, nguyện rằng bè trôi tắp vào nơi nào mà nếu xô ra ba lần mà bè vẫn tấp vào chỗ cũ thì sẽ lên bờ cất am tu học. Bè rời thôn Tân Đông ra sông Tiền, trôi vào rạch Cái Bảy, theo con nước, bè tấp vào vàm rạch Cái Bèo (sau này thuộc thôn Bình Hàng Trung), trôi vào một con rạch nhỏ ngoằn ngoèo chưa có tên (sau này gọi là rạch Chùa) rồi tấp vào một bãi bồi có cây xây to tướng. Ông xô ra ba lần mà bè vẫn tấp vào chỗ cũ. Cho rằng lời nguyện đã ứng nghiệm, ông lên bờ đốn cây, cắt đưng, dựng am làm chỗ tu học và tìm thảo dược trị bệnh cứu người.
Về sau ông thu nhận một đệ tử xuất gia để thừa kế hậu lai, đặt pháp danh là Hải Nguyện - Thiện Ý. Tổ cùng đệ tử khai hoang và vận động bà con lưu dân phá rừng mở ruộng. Số Phật tử quy y ngày một đông, một ngôi chùa khang trang được dựng lên, được ông đặt tên là Bửu Lâm. Chùa mới lập không có tượng Phật, Tổ cùng các đệ tử vào rừng cắt cây mây về thắt cốt tượng, bên ngoài trát đất sét trộn với cỏ tranh khô, ngoài cùng áo một lớp sơn lấy từ cây cánh kiến. Đến năm 92 tuổi, khi biết mình không còn sống được bao lâu, ông cho triệu tập đệ tử và bổn đạo vào ngày 14/2 để ông thuyết pháp và khuyên bổn đạo lo làm ăn chân chính, tu tâm dưỡng tánh theo Phật dạy để được giải thoát. Đến giờ Ngọ ngày Rằm, trước lúc tự thiêu, thiền sư báo trước là sẽ để lại ngón tay út phải và một cái tà phà (miếng thắt y). Lúc lửa tàn, đệ tử nhặt xá lợi tìm thấy hai di vật như ông phát nguyện. Hiện nay, hai di vật này được cất giữ trong bảo tháp.
Điểm du lịch văn hóa tâm linh
Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của Phật giáo Việt Nam, trong giai đoạn chống Pháp, chùa Bửu Lâm đã trở thành trạm liên lạc, tiếp tế lương thực, hậu cần,... cho nghĩa quân. Giai đoạn chống Mỹ cứu nước, chùa tiếp tục nhiệm vụ hậu cần và là nơi nuôi giấu cán bộ chiến sĩ cách mạng. Ngôi chùa đã nhiều lần bị bom pháo của địch làm hư hỏng nặng. Nhiều tượng, đồ khí tự, kinh sách, tài liệu và các vật dụng khác bị hủy hoại, thất lạc. Khuôn viên tháp chùa là hầm bí mật che giấu cán bộ, bọng cây xây cổ thụ cũng là nơi một số cán bộ ẩn náu né tránh các cuộc càn quét của địch. Trong hai cuộc kháng chiến, các sư, tăng ni, phật tử của chùa đã hết lòng vì đạo pháp và dân tộc, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc ở địa phương.
Dù bị chiến tranh tàn phá nặng nề trong những năm 1967 - 1969, xây dựng lại nhiều lần, song chùa vẫn giữ được nét cổ kính của chùa Nam bộ. Chùa gồm bảy nóc kết thành hình chữ tam, cách hậu tổ bằng cái sân, trong là đông lang, đây là phần kiến trúc cổ duy nhất còn sót lại. Chùa cách Quốc lộ 30 khoảng 3km. Từ quốc lộ dẫn vào chùa là con đường làng rợp bóng cây xanh đã được láng bê tông. Chùa nằm trên mảnh đất vườn rộng 1,6 ha cạnh khúc quanh của rạch Chùa. Nơi đây khá thoáng mát, đậm chất thôn quê, không gian thật yên tĩnh.
Chùa Bửu Lâm tuy mới trở thành điểm tham quan du lịch văn hóa tâm linh vào đầu năm 2017 nhưng dịp Tết năm nay đã có khoảng 5.500 phật tử, du khách thập phương tìm đến, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đến chùa Bửu Lâm, du khách tham quan đều được tiếp đón ân cần, được các tăng, ni, phật tử của chùa hướng dẫn vãn cảnh chùa, nghe giới thiệu lịch sử chùa, tận mắt nhìn cây xây trên 300 năm cạnh rạch Chùa,... Ông Nguyễn Thiên Phúc, đến từ TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi rất thích, từ cung cách đến lời ăn tiếng nói cũng như nội dung thuyết minh của vị sư ở chùa rất hay. Bữa ăn chay ở chùa cũng là trải nghiệm thích thú cho khách du lịch”. Hòa thượng Thích Thiện Phương - Trụ trì chùa Bửu Lâm cho biết, du khách đến với chùa Tổ là một niềm vinh dự cho chùa, để chùa có cơ hội giới thiệu lịch sử của chùa đến du khách.
Chùa Bửu Lâm là ngôi chùa độc đáo, có ý nghĩa to lớn về giá trị văn hóa, lịch sử, nơi có không gian mát mẻ, xứng đáng trở thành điểm dừng chân tham quan du lịch văn hóa tâm linh.
Hiện nay, một số công ty du lịch ngoài tỉnh đã liên hệ đưa du khách đến tham quan, vãn cảnh chùa cổ Bửu Lâm để khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống của ngôi chùa cổ với lịch sử hình thành và phát triển trên 300 năm...