Hoạt động của ngành

Du lịch tâm linh Quảng Bình - Nét văn hóa truyền thống của dân tộc

Cập nhật: 16/02/2017 09:06:31
Số lần đọc: 1532
Với mục tiêu đưa Quảng Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trong đó tập trung khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, du lịch biển và du lịch văn hóa tâm linh.

Là địa phương được xác định là 1 trong 3 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Quảng Bình với thế mạnh là văn hóa du lịch tâm linh, huyện Lệ Thủy đang từng bước hoàn thiện tam giác du lịch văn hóa tâm linh là: Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh – Chùa Hoằng Phúc và Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong những ngày đầu xuân, chúng ta có dịp trở về Lệ Thủy – vùng đất giàu bản sắc văn hóa du lịch tâm linh, thu hút hàng chục ngàn du khách.

 

 

Trong lời tựa tập sách “Ô châu cận lục” của Tiến sỹ Dương Văn An có viết về quê hương Lệ Thủy rằng: “…Thấy vẻ đẹp của núi sông mới biết rằng địa linh, nhân kiệt - Xem sản vật tốt tươi mới rõ vật tốt, người hay…”. Non nửa thiên niên kỷ đã trôi qua, đất nước, quê hương trải qua bao biến động, thăng trầm nhưng những giá trị cao đẹp và thiêng liêng mà tổ tiên, các bậc tiền nhân tạo lập và để lại cho xứ sở đã được nhân dân giữ gìn, bồi đắp và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay, mỗi du khách vãng lai chợt đến, chợt đi hay mỗi người con xa xứ đều nhớ đến một vùng quê “Gạo trắng nước trong”.

Một vùng quê chiêm trũng với điệu hò khoan da diết lắng mãi trong lòng người; với một lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang được tổ chức đúng vào Tết Độc lập của dân tộc, với một vị tướng lừng danh khắp năm châu bốn bể Võ Nguyên Giáp và một ngôi cổ tự có lịch sử hơn 700 năm mang đậm dấu ấn Phật giáo trong lòng người dân Việt: Chùa Hoằng Phúc.

Lùi lại lịch sử hơn 715 năm về trước, nơi đây được gọi là Am Tri Kiến, là một ngôi chùa được lập để thờ Phật, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân Đại Việt từ miền Bắc di trú vào vùng đất mới và để cố kết cộng đồng bản địa. Vào năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị anh hùng dân tộc hai lần chiến thắng giặc Nguyên Mông nhân chuyến vân du hóa đạo tại các địa phương trên đất Chiêm Thành đã cư ngụ và thuyết giảng Phật pháp tại đây. Với vị trí ở gần trạm Bình Giang (thuộc bờ hữu sông Bình Giang, nay là sông Kiến Giang) nên chùa còn có tên gọi là chùa Trạm. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, theo thời gian, chùa Hoằng Phúc đã trở nên hoang tàn do chiến tranh tàn phá. Để lưu giữ di sản văn hóa tâm linh Phật giáo của Đại Việt, tháng 11/2014, công trình phục dựng, tôn tạo khu di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc đã được khởi công xây dựng và trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của đông đảo Phật tử và người dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Nằm cách tuyến đường Hồ Chí Mình chỉ hơn 1km ở địa phận xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy là Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vừa được Nhà nước đầu tư trùng tu, nâng cấp, mở rộng thuộc khu vực núi An Mã. Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650 tại Chương Tín, huyện Phong Lộc, nay thuộc xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông là một vị quan có công rất lớn dưới thời chúa Nguyễn trong việc đánh giặc, mở cõi, thiết lập cơ chế hành chính quản lý vùng đất phương nam những năm cuối thế kỷ 17. Trong khuôn viên của Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn lưu giữ một tấm bia đá mang giá trị lịch sử. Đó là tấm bia được tạc bằng đá xanh với kiểu dáng thường gặp ở cuối triều Nguyễn. Mấy thế kỷ qua đi, dẫu thế sự thịnh suy thăng trầm, song trong ký ức bất diệt của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Quảng Bình nói riêng, tên tuổi và sự nghiệp của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vẫn luôn luôn tỏa sáng.

Cùng với chùa Hoằng Phúc, Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, du khách khi đến với huyện Lệ Thủy còn được ghé thăm Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị Đại tướng huyền thoại, nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn mà tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng lừng lẫy năm châu. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng đã có nhiều công lao và đóng góp to lớn trong việc hình thành và phát triển học thuyết quân sự - đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam. Tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng sẽ mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc.

Có thể nhận thấy, hiện nay trên địa bàn huyện Lệ Thủy tam giác du lịch văn hóa tâm linh đã được hình thành với Chùa Hoằng Phúc - Khu lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh - Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tạo nên một hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, trở thành những địa chỉ đỏ trong tuyến du lịch tâm linh của du khách gần xa khi đến với quê hương của Đại tướng./.

Nguồn: dukhach.quangbinh.gov.vn

Cùng chuyên mục