Tin tức - Sự kiện

Lễ hội Trò Trám(Phú Thọ): được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cập nhật: 21/02/2017 09:55:49
Số lần đọc: 1341
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố 17 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, Lễ hội Trò Trám tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội Trò Trám, hay còn gọi là lễ hội “Linh tinh tình phộc” được tổ chức hằng năm vào đêm ngày 11 và sáng ngày 12 tháng Giêng (âm lịch). Đây là một trong những lễ hội độc đáo có một không hai của người Việt được người dân trân trọng, gìn giữ, nhằm tôn vinh tín ngưỡng phồn thực, phản ánh nét văn hóa đặc trưng của dân cư nông nghiệp.

 

Lễ hội được bắt đầu với trò diễn “Tứ dân chi nghiệp”, còn gọi là “bách nghệ khôi hài” - một màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa bốn nghề chính trong đời sống là sĩ, nông, công, thương. Tiếp đến phần tế lễ của các cụ cao niên trong làng thực hiện từ 22 giờ 30 phút ngày 11 đến 0 giờ ngày 12 tháng Giêng.

 

Điểm hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của người xem hơn cả là “lễ Mật” được thực hiện vào 0 giờ ngày ngày 12 tháng Giêng (âm lịch) tại miếu Trò. Tức là sau phần tế lễ, cụ Thủ từ miếu Trò thắp hương và rước “Nõ Nường” - hai vật tượng trưng cho giới tính nam và nữ (được làm bằng gỗ và sơn màu đỏ) thờ trong miếu Trò và trao cho đôi nam nữ đã được dân làng chọn từ trước. Sau đó, toàn bộ đèn, nến trong và ngoài miếu đều tắt, cụ chủ tế hô “Linh tinh tình phộc” hai nhân vật chính là nam cởi trần đóng khố cầm Nõ, nữ mặc váy đeo yếm đào cầm Nường làm các thao tác tượng trưng hoạt động tính giao. Ba lần đâm trúng sẽ có mùa màng tươi tốt, bội thu; hai lần trúng năm nay sẽ được mùa; một lần trúng là làm ăn kém… Trong đêm tối, chủ tế nghe “cạch” đủ ba tiếng đèn sáng lại. Phút ấy gọi là phút “thiêng”, “dập” chiêng trống để mừng và kính cáo với thần linh, thiên địa biết “lễ Mật” đã thành công.

 

Tương truyền, vào giờ "tháo khoán", theo phong tục, ngoài rừng trám các đôi trai gái và dân làng được tự do mọi chuyện và nữ phải giữ một vật của nam để làm tin. Cô gái nào mang thai trong dịp đó là lễ “hèm” của làng thành công, đem lại điều may mắn cả năm cho gia đình và toàn phường. Và những đứa trẻ sinh ra từ đêm “linh tinh tình phộc” được làng chấp nhận vì họ cho rằng những đứa trẻ đó sẽ mang lại sự phồn vinh cho cả làng.

 

Sau lễ Mật, sáng ngày 12 tháng Giêng là lễ “Rước lúa thần” cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Những bông lúa thu hoạch từ vụ trước thờ trong miếu được lấy ra và rước đến đền Xa Lộc thờ vị tướng Phùng Lân Hổ thời Trần, rồi tiếp tục được rước chung quanh làng. Trong khi rước lúa trên đường làng, các trò diễn vẫn tiếp tục thực hiện tại miếu Trò để tạo không khí lễ hội. Lễ cúng thập bái thực hiện cuối cùng tại miếu Trò để kết thúc lễ hội./.

Nguồn: nhandan.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT