Non nước Việt Nam

Tây Nguyên vào hội

Cập nhật: 24/02/2017 14:15:24
Số lần đọc: 1413
Từ bao đời nay, mùa xuân luôn là mùa của lễ hội, của niềm vui, của những ước mong tốt đẹp và trên khắp các buôn làng Tây Nguyên, tiếng cồng chiêng âm vang rộn ràng như ngàn vạn sợi dây âm thanh gắn kết con người với trời đất, với thiên nhiên, gắn kết cộng đồng bền chặt.

Mùa xuân - mùa lễ hội của các dân tộc Tây Nguyên

Trên đời, nếu có cái gì cứ lặp đi lặp lại mãi mà không chán, đó chính là mùa xuân. Năm nào cũng bắt đầu bằng mùa xuân! Nhưng mỗi mùa xuân về lại mang theo nhiều mới mẻ, mỗi năm mỗi khác, mang một vẻ đẹp mới với nhiều bất ngờ đáng để cho chúng ta chờ đợi.

Theo phong tục của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, hàng năm vào dịp kết thúc một mùa rẫy, các buôn làng lại cùng tổ chức lễ hội đón năm mới (gọi là mùa ăn năm, uống tháng). Thời gian tổ chức các lễ hội bắt đầu từ cuối tháng 12 năm cũ đến hết tháng 3 dương lịch năm mới với nhiều lễ hội đặc sắc. Không khí lễ hội khắp các buôn làng càng lúc càng rộn ràng, náo nhiệt, tiếng trống, tiếng cồng chiêng vang khắp núi rừng.

 

Sau mùa gặt hái, không khí hướng về các lễ hội, đón năm mới của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sôi động hẳn lên. Mọi gia đình đều khẩn trương đưa lúa về chòi và rước hồn lúa về nhà, đồng thời tổ chức lễ ăn cơm mới để tạ ơn trời đất, thần lúa, ông bà tổ tiên đã cho một mùa lúa bội thu và cầu mong một mùa mới thóc lúa đầy nhà. Các buôn làng cũng tổ chức lễ cúng bến nước, để cầu mong mưa thuận, gió hoà, nguồn nước dồi dào, trong lành, mọi người khoẻ mạnh, nhà nhà nhiều lúa, bắp, trâu, bò, heo, gà. Đây là một lễ lớn của mọi buôn làng, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn sống của cộng đồng, đồng thời nhắc nhở mọi người phải có ý thức bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước…

Tiếp đến là lễ bỏ mả cho người quá cố. Đây là một lễ lớn trong vòng đời người, nên hầu hết các dân tộc đều tổ chức rất chu đáo và đều làm lễ hiến sinh cúng thần linh cũng như người quá cố. Bên cạnh nghi lễ, đồng bào còn tổ chức các sinh hoạt văn hoá như kể khan (sử thi), thổi kèn đing năm, đing Ktút, múa chim grứ, hát dân ca… tạo nên sự đa dạng hoạt động văn hoá trong ngày lễ.

Trong những ngày đầu xuân năm mới, nhiều buôn làng còn tổ chức lễ kết nghĩa anh em, lễ cưới, lễ trưởng thành, lễ cúng sức khoẻ cho các thành viên trong cộng đồng. Nhưng vui nhất vẫn là lễ ăn trâu, đón năm mới của đồng bào Mnông. Trong lễ này bà con mời các buôn làng gần xa đến dự. Thế là lễ đón bạn, lễ cúng hồn lúa, lễ khóc trâu, lễ đâm trâu, lễ tiễn bạn… cứ lần lượt diễn ra trong suốt bảy ngày đêm. Không khí hội ở đây đậm nét hơn các lễ khác. Người được mời dự, người đến xem, người trực tiếp tham gia các phần lễ, cứ quyện vào nhau, làm cho lễ hội càng sôi động.

Vui xuân đón mùa rẫy mới, người ta không quên làm lễ cúng hòn đá bếp (vì thần đã giúp gia chủ một năm no đủ), làm lễ cúng hòn đá cổng buôn làng (vì thần đã gìn giữ buôn làng một năm yên ổn, không có ai đói nghèo, bệnh tật) và cúng sức khoẻ cho những con vật nuôi trong gia đình như voi, trâu, bò, heo, chó, mèo, dê, gà… Cuối cùng, khi mùa xuân sắp kết thúc, người ta làm lễ cúng cầu mưa, cúng thần gió, cầu một năm mưa thuận gió hoà, làm ăn phát đạt, nhà nhà no ấm, hạnh phúc.

Lễ hội mùa xuân của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã thể hiện đầy đủ hai hệ thống lễ nghi lớn là lễ vòng đời người và lễ hội nông nghiệp với nhiều nét văn hoá đặc sắc. Đây chính là mùa “ăn năm uống tháng”, mùa sinh hoạt văn hoá cộng đồng, mùa giao lưu văn hoá, mùa tìm bạn đời của những chàng trai cô gái. Thông qua các lễ hội, người già giáo dục cháu con về bản lĩnh kiên cường, về tình yêu buôn làng, núi rừng, đất nước… để cho tiếng chiêng vang mãi khắp núi rừng Tây Nguyên khi mỗi độ xuân về.

Vang mãi điệu cồng chiêng

Cồng chiêng là thứ âm nhạc đặc biệt dành cho sự lắng nghe và cảm nhận - người nghe phải biết hình dung, mường tượng, thấu hiểu thì mới cảm được cái hay, cái đẹp, đầy ý nghĩa của những bản nhạc mà nó tấu lên. Và cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, khắp các buôn làng Tây Nguyên lại tưng bừng, rộn ràng tiếng cồng chiêng trong các ngôi nhà dài hay bên “ngọn lửa thiêng” với những vòng người say sưa múa hát đón mừng xuân mới.


 

Cồng chiêng được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên quan niệm như là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thần thánh và thế giới siêu nhiên. Cồng chiêng đã gắn liền với đồng bào và là niềm tự hào nghìn đời của cộng đồng các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. Ngày lễ, ngày hội hay dịp trọng đại nào cũng đều phải có cồng chiêng, có rượu cần để say, để tất cả dân làng xích lại gần nhau, gắn bó và đoàn kết với nhau. “Ngày vui thì đánh bài vui, ngày buồn thì đánh bài buồn, ăn mừng chiến thắng cũng có bài chiêng ăn mừng chiến thắng. Đấy là bản sắc, là niềm vui, niềm tự hào của bà con” - Già Rơ Mah Yơh (làng Dăng, xã Ia O) cho biết.

Giờ đây, khi cồng chiêng đã trở thành một phần quan trọng trong di sản văn hóa nhân loại, thì việc gìn giữ, phát huy để âm thanh ấy vang mãi càng có ý nghĩa quan trọng. Việc gìn giữ cồng chiêng, nhất là những chiếc chiêng quý, chiêng cổ cũng chính là việc làm thiết thực viết tiếp truyền thống của các buôn làng Tây Nguyên. Anh Rơ Mah Hyiu (xã la O) chia sẻ: “Ngày xưa, ông bà mình khó khăn lắm mới giữ được cồng chiêng để truyền lại cho thế hệ mình. Nó là tài sản vô giá của dòng họ vì thế mình phải hết sức giữ gìn cho con cháu, cũng là giữ bản sắc của dân tộc mình”.

 

Trải qua bao đời, tiếng cồng, tiếng chiêng vẫn không ngừng âm vang trong khắp các cuộc vui, buồn, lễ hội của người Tây Nguyên. Cùng với sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp trong việc gìn giữ các bộ chiêng cổ và các giá trị văn hóa truyền thống cũng như chống nạn “chảy máu” cồng chiêng; với tình yêu mãnh liệt của cộng đồng nơi đây, tiếng cồng, tiếng chiêng sẽ còn nối tiếp, vang mãi giữa núi rừng Tây Nguyên; để mỗi khi nghe tiếng cồng chiêng lại như thấy cả tiếng của núi rừng Tây Nguyên vọng về./.

Nguồn: Cinet.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT