Non nước Việt Nam

Hòa Bình: Phục dựng Lễ hội cầu Mường của dân tộc Tày

Cập nhật: 07/04/2017 09:52:33
Số lần đọc: 1672
Mới đây, tại xã Mường Chiềng (Hòa Bình), Ban quản lý dự án phát triển nông thôn đa mục tiêu huyện Đà Bắc đã tổ chức khôi phục lễ hội cầu Mường của dân tộc Tày.

Mường Chiềng là trung tâm cụm 7 xã vùng cao huyện Đà Bắc, có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm 90% so với tổng dân số của xã. Lễ hội cầu Mường là một trong những lễ hội tiêu biểu nhất của người Tày, Đà Bắc. Lễ hội này diễn ra từ khi các dòng họ của người Tày bắt đầu về sinh sống và khai phá đất Mường Xồng, tức Mường Chiềng ngày nay để lập nghiệp. Lễ hội cầu Mường, (tiếng Tày gọi là Cau Mương) được tổ chức vào dịp đầu năm để tưởng nhớ tổ tiên, thành hoàng các họ mạc huyện Đà Bắc đã có công sức khai phá, tạo dựng lên bản, lên Mường, đồng thời bày tỏ sự tôn kính với thần đất, thần nước, thần rừng đã ưu ái tạo mưa thuận, gió hòa cho người dân bản Mường có cuộc sống bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu. Đặc biệt, lễ hội Cầu Mường còn tạo nên sức mạnh đoàn kết to lớn của các dòng họ đang sinh sống trên mảnh đất Mường Chiềng, giúp đồng bào chiến thắng giặc Pháp và tay sai trong những năm kháng chiến.

Năm 1953, giặc Pháp càn quét đến Mường Xồng và phát hiện nơi tổ chức lễ hội cầu Mường (tức nhà thờ bản Mường của người Tày và các dòng họ tại bản Chum Nưa) nên đã châm lửa đốt đi. Đến cuối năm 1953, các dòng họ và dân bản Mường đã bàn bạc, quyết định chuyển địa điểm và dựng lại nhà thờ tại xóm Nà Mười, xã Mường Chiềng. Từ năm 1955, lễ hội cầu Mường kết thúc. Hơn 60 năm trôi qua, lễ hội cầu Mường chưa một lần được phục dựng lại, do vậy những giá trị lịch sử, văn hóa đang có nguy cơ bị thất truyền.

Lễ hội cầu Mường được diễn ra trong 2 ngày với 2 phần lễ và hội. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với các nghi thức Lễ cúng Ma rừng tại bừ suối Bồ Bằm, xã Giáp Đắt mời thần linh, thô công, thổ địa, ma rừng long vương, diêm vương về nhận lễ tuyên bố lý do làm lễ cầu Mường. Tiếp đến là nghi thức lễ cúng Thầy và cúng Cầu Mường tại nhà văn hoá xóm Nà Mười do thầy cúng cùng phụ lễ, đội xoè nghi lễ trống, chiêng, pí và đại diện 12 dòng họ thực hiện để bày tỏ sự tôn kính với thần đất, thần nước, thần rừng đã ưu ái tạo mưa thuận giáo hòa cho người dân bản Mường có cuộc sống bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu. Sang phần hội được được diễn ra sôi nổi, hấp dẫn với các hoạt cảnh sắc xuân, nghi lễ vào hội và vòng xoè đoàn kết với 6 điệu xoè cổ của dân tộc Tày.

Ngoài ra, tại lễ hội còn có các gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của các xóm trong xã; các gian hàng giới thiệu và trình diễn nghề truyền thống như: nghề dệt thổ cẩm, thuốc nam, chữ Tày…; thi đan thủ công giữa các xóm, thi các môn thể thao dân tộc.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa trên, việc phục dựng lại lễ hội cầu Mường của dân tộc Tày, xã Mường Chiềng là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa lịch sử quan trọng của Đảng bộ, chính quyền của nhân dân xã Mường Chiềng nói riêng và của cộng đồng dân tộc Tày nói chung./.

Nguồn: Cinet.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT