Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung phát biểu tại buổi tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm có ông Ngô Hoài
Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; đại diện lãnh đạo một số
vụ chức năng của TCDL; ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch VITA; bà Cao Thị
Ngọc Lan – Tổng thư ký HHDL Việt Nam; ông Nguyễn Đức Xuyên - Chủ nhiệm
CLB nhà báo Du lịch; đại diện Sở Du lịch, Sở VHTT TP. Hà Nội; đại diện
một số doanh nghiệp và địa phương tham dự VITM Hanoi 2017...
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Vũ
Thế Bình hoan nghênh và đánh giá cao sự hưởng ứng và tham gia tích cực
của các cơ quan quản lý du lịch trung ương và địa phương, của cộng đồng
doanh nghiệp... đối với chiến dịch. Để đưa chiến dịch vào cuộc sống,
từng bước thay đổi thói quen chưa tốt của người Việt
khi đi du lịch cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là sự
vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp - lực lượng đóng vai trò
tiên phong. Hình ảnh du khách Việt đang ngày càng được cải thiện và đẹp
lên, điều này không chỉ đóng góp thiết thực vào sự phát triển du lịch mà
còn góp phần chấn hưng văn hóa đất nước.
Ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch VITA phát biểu khai mạc tọa đàm
Báo cáo kết quả sau 1 năm được triển
khai chiến dịch, ông Nguyễn Đức Xuyên - Chủ tịch CLB Nhà báo Du lịch
cho biết: Buổi tọa đàm "Nâng cao hình ảnh du khách Việt " được VITA tổ
chức lần đầu tiên vào ngày 31/3/2016 tại Hà Nội với sự tham gia của CLB
Nhà báo Du lịch và công ty Transviet đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt
tình của đông đảo HHDL địa phương, cơ sở đào tạo du lịch, doanh nghiệp
du lịch và cơ quan thông tấn báo chí. Ngày 16/4/2016, trong khuôn khổ
Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hanoi 2016, chiến dịch "Nâng cao hình ảnh
du khách Việt" đã chính thức được phát động. Trong 1 năm qua, ngành Du
lịch, các cơ quan quản lý du lịch và HHDL các địa phương, doanh nghiệp,
báo chí, những người làm du lịch đã chủ
động, tích cực vào cuộc nhằm triển khai Chiến dịch trong cả nước, góp
phần giảm thiểu những hình ảnh chưa đẹp của du khách Việt. Hưởng ứng
chiến dịch, một số hoạt động như phát hành các bản in bộ quy tắc ứng xử
bằng tiếng Việt, Anh, Trung, Hàn, Nga...; phát video về thực hiện quy
tắc ứng xử văn minh du lịch tại nơi công cộng; phát hành và đăng tải
những video hưởng ứng chiến dịch trên mạng xã hội... đã được thực hiện
rộng rãi trên khắp cả nước. Những hành động, hình ảnh xấu của du khách
Việt vì thế cũng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, nhiều hình ảnh "xấu xí",
đáng lên án của du khách Việt vẫn tồn tại như xả rác tại khu, điểm du
lịch; vẽ, viết, xâm phạm các di tích; ăn mặc phản cảm nơi tôn nghiêm...
Trước tình hình đó, ngày 17/3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã
ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch với 10 nội dung: (1) Tuân
thủ các nội quy, bảng chỉ dẫn khi đi du lịch; (2) Xếp hàng theo thứ tự;
(3) Đi đúng giờ, ngồi đúng chỗ; (4) Trang phục lịch sự, phù hợp; (5) Tôn
trọng sự khác biệt văn hóa và cộng đồng địa phương; (6) Lên kế hoạch
trước khi đi Du lịch; (7) Hành lý gọn gàng; (8) Ứng xử văn minh, thân
thiện, vui chơi lành mạnh; (9) Lấy thức ăn, đồ uống vừa đủ dùng; (10)
Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu và đại diện doanh nghiệp đã thảo luận
sôi nổi và đề ra một số giải pháp nhằm triển khai chiến dịch một cách
hiệu quả, đồng thời giữ gìn và nâng cao hình ảnh du khách Việt trong mắt
bạn bè quốc tế, cụ thể như: Tổ chức tập huấn, đào tạo cho các hướng dẫn
viên và người trực tiếp làm du lịch để họ có thể tư vấn cho du khách
những điều nên và không nên làm khi đi du lịch; thay vì tuyên truyền
bằng văn bản, nên biểu tượng hóa các quy tắc ứng xử để khách du lịch
tiếp cận những nội dung quy tắc một cách dễ dàng, từ đó chủ động ghi nhớ
và thực hiện; xây dựng khung hành lang pháp lý, những chế tài bắt buộc
và có những cơ chế giám sát và xử phạt thích đáng, quyết liệt; tăng
cường công tác quảng bá, truyền thông cho chiến dịch; thành lập CLB ứng
xử văn minh du lịch, các diễn đàn và kênh truyền thông riêng nhằm phản
ánh tích cực, mang tính xây dựng công tác triển khai chiến dịch...
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Phó
Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung khẳng định Du lịch là một ngành kinh tế
tổng hợp nhưng cũng mang tính văn hóa, nhân văn sâu sắc. Khách du lịch
là hình ảnh phản chiếu của quốc gia. Vì vậy, nâng cao hình ảnh du khách
chính là nâng cao hình ảnh, vị
thế của đất nước trên trường quốc tế. Để nâng cao hơn nữa hình ảnh du
khách Việt và văn hóa ứng xử của người Việt khi đi du lịch, các giải
pháp như giáo dục, vận động, xử phạt... cần được thực hiện đồng bộ,
thường xuyên nhằm tạo hiệu quả cộng hưởng đối với du khách. Bên cạnh đó,
TCDL cũng sẽ coi việc thực hiện quy tắc ứng xử văn minh du lịch như 1
tiêu chí để cấp phép, thu hồi giấy phép, xếp hạng và khen thưởng đối với
các tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp.
10 doanh nghiệp ký cam kết tiếp tục tham gia chiến dịch "Nâng cao hình ảnh du khách Việt"
Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung
hoan nghênh và đánh giá cao việc tổ chức chiến dịch "Nâng cao hình ảnh
du khách Việt" của VITA và CLB Nhà báo Du lịch. Trên cơ sở phát huy vai
trò quản lý nhà nước về du lịch, TCDL mong muốn tiếp tục nhận được sự
ủng hộ, đồng hành của VITA và cộng đồng doanh nghiệp nhằm triển khai
chiến dịch ngày càng hiệu quả trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, cũng
đã diễn ra Lễ ký kết giữa các doanh nghiệp tiếp tục tham gia, đồng hành
với chiến dịch "Nâng cao hình ảnh du khách Việt".
Phương Mai