Tin tức - Sự kiện

Dự thảo Luật Du lịch dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này

Cập nhật: 23/05/2017 13:50:12
Số lần đọc: 1286
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng nay, 22/5, dự kiến dự thảo Luật Du lịch sẽ được thông qua.



Thời gian qua, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, các cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Du lịch sửa đổi đã kết cấu lại khoa học, chặt chẽ hơn, gồm 9 chương, 85 điều, bổ sung một số nội dung về sản phẩm du lịch, đô thị du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch vào các điều, khoản liên quan.

Một số vấn đề tiếp tục xin ý kiến Quốc hội gồm: về kết cấu, bố cục; về phạm vi điều chỉnh; về giải thích từ ngữ; về nguyên tắc phát triển du lịch; về chính sách phát triển du lịch; về sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch; về tổ chức xã hội-  nghề nghiệp về du lịch; về các hành vi bị nghiêm cấm; về khách du lịch; về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch và quy hoạch phát triển du lịch; về điểm du lịch, khu du lịch, khu du lịch quốc gia, đô thị du lịch; về kinh doanh lữ hành; về kinh doanh vận tải khách du lịch ; về cơ sở lưu trú du lịch; về dịch vụ du lịch khác; về hướng dẫn du lịch; về việc thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài; về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; về quản lý nhà nước về du lịch.

Dự kiến ngày 29/5, dự thảo Luật này sẽ được trình ra Quốc hội. Việc thông qua dự luật này được coi là một động thái quan trọng, một bước ngoặt cho ngành du lịch bởi đầu năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Ngoài ra, một dự thảo luật khác cũng dự kiến được thông qua dịp này được kỳ vọng có sự tác động tới nền kinh tế đó là dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự thảo lần này trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp được thiết kế theo luật khung, đưa ra những quy định khung và nguyên tắc để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, dự thảo Luật cũng đã tiếp thu, bỏ các quy định liên quan có thể dẫn tới mâu thuẫn, chồng chéo hoặc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác. Vì vậy, dự thảo Luật trình trình Quốc hội thông qua lần này đã rút gọn chỉ còn 4 chương, 36 điều (giảm 3 chương và 9 điều so với dự thảo đã được cho ý kiến).

Cùng với dự thảo Luật Du lịch, Luật hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án luật khác được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Kỳ họp này, Quốc hội cũng dự kiến xem xét, thông qua các nghị quyết thi hành Bộ luật hình sự; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào…

Về công tác giám sát, kỳ này, Quốc hội dành khoảng 6,5 ngày để xem xét, thảo luận và quyết định về các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; Về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; Xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018; Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Kỳ họp này, Quốc hội dành 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 22,5 ngày và Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 21/6/2017./.

Nguồn: Báo Tổ Quốc

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT