Miền Trung - Tây Nguyên phát triển du lịch sôi động nhất cả nước
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên là địa bàn phát triển du lịch sôi động nhất cả nước, hứa hẹn mang lại thương hiệu đẳng cấp cho du lịch Việt Nam. Trong ảnh là bãi biển Đà Nẵng đông khách mùa du lịch
Ngày 10/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Diễn đàn Du lịch Miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề “Du lịch Miền Trung - Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu”. Đây cũng là một trong những hoạt động trọng tâm của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI – 2017.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu chủ trì diễn đàn
Tới dự và chỉ đạo Diễn đàn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cùng khoảng gần 200 đại biểu đại diện các bộ ban ngành; 19 tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh; một số trường đại học, cơ quan nghiên cứu, tổ chức, hiệp hội; các doanh nghiệp du lịch, hàng không, đường sắt, các nhà đầu tư; các chuyên gia, các nhà khoa học…
Nội dung thảo luận tại diễn đàn tập trung vào các vấn đề: Yêu cầu phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên trong thời kỳ mới; Những chính sách đột phá trong phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên;
Quản lý điểm đến và môi trường kinh doanh du lịch, tạo dựng hình ảnh điểm đến chất lượng, an toàn, thân thiện; Vai trò động lực tạo đẳng cấp của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên.
Đồng thời, đại biểu tham dự diễn đàn cũng trao đổi, thảo luận các nội dung: hợp tác, liên kết phát triển du lịch; xúc tiến quảng bá; phát triển nguồn nhân lực và thu hút đầu tư.
Miền Trung – Tây Nguyên gồm 19 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa tới Bình Thuận, thuộc không gian của 3 vùng du lịch là Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Đây là địa bàn phát triển du lịch sôi động nhất cả nước, là khu vực hứa hẹn mang lại thương hiệu đẳng cấp cho du lịch Việt Nam và đóng góp quan trọng vào hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, đây cũng là địa bàn quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên phát biểu tại diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho biết, năm 2016 đã đánh dấu mốc quan trọng của ngành du lịch Việt Nam. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 10 triệu lượt khách, khách nội địa đạt 62 triệu lượt, đóng góp trực tiếp của ngành du lịch vào GDP đạt 6,8%.
“Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự bứt phá của ngành du lịch, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo việc làm, nâng cao dân trí, quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế”, Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh.
Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết thêm, trong những năm gần đây, du lịch của một số địa phương trong khu vực đã có sự chuyển mình đáng khích lệ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và tái cơ cấu kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch miền Trung - Tây Nguyên chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng; chưa tạo dựng được những thương hiệu đẳng cấp quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Để tạo bước đột phá, đổi mới trong phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang tác động ngày càng sâu, rộng vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, hy vọng các nhà khoa học, các nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp đóng góp trí tuệ, cùng thảo luận, đối thoại để đưa ra những sáng kiến, giải pháp đột phá phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên theo hướng chất lượng, thương hiệu đẳng cấp quốc tế. Đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội và môi trường”, Thứ trưởng Vương Duy Biên chia sẻ.
Trong lúc đó, theo ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận thức của người dân trong việc phát triển du lịch còn chưa cao, khiến công tác phát triển du lịch của địa phương gặp khó khăn, gây ảnh hưởng nỗ lực đến nhà đầu tư.
“Mong muốn thông qua diễn đàn, tỉnh Quảng Nam và các địa phương khác sẽ định hướng hội nhập, đầu tư, chính sát đột phá trong phát triển du lịch miền Trung Tây Nguyên, cũng như quản lý điểm đến và môi trường kinh doanh du lịch, tạo dựng hình ảnh điểm đến du lịch...”, ông Thu cho biết.
Kết quả của diễn đàn là bước khởi đầu tốt đẹp tạo ra sự chuyển biển tích cực từ nhận thức đến hành động, góp phần phát triển thương hiệu đẳng cấp cho du lịch miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung; đóng góp quan trọng vào hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị./.