Đẹp kỳ ảo màu phù sa Tây Bắc
Tháng chín, tháng mười, Tây Bắc như trẩy hội. Du khách miền xuôi đổ bộ lên Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái… để chiêm ngưỡng mùa vàng trên non cao. Đó là mùa của no ấm, sung túc làm ngây ngất lòng người. Nhưng thật sự là một thiếu sót nếu chưa thấy vẻ đẹp của ruộng bậc thang trong mùa nước đổ.
Ruộng bậc thang chỉ có ở một số nước có nền văn minh lúa nước lâu đời như Việt Nam, Indonesia, Philippines, Trung Quốc… Riêng ruộng bậc thang ở Tây Bắc của Việt Nam được Telegraph của Anh bình chọn đứng thứ 6 trong 10 cảnh quan tự nhiên đầy màu sắc nhất thế giới, khuyên du khách nên thưởng ngoạn một lần trong đời. Mùa này, miền Bắc đang vào mùa khô nóng nhất kéo dài nhiều tháng trong năm, nhưng vẫn không ngăn được những bước chân kéo về chiêm ngưỡng mùa nước đổ. Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai), La Pán Tẩn, Chế Cu Nha (Mù Cang Chải, Yên Bái), Hoàng Su Phì, Đồng Văn (Hà Giang)… là những điểm đến không chỉ của nhiếp ảnh mà còn hấp dẫn du khách yêu vùng đất giàu bản sắc văn hóa.
Chủ ruộng- người Mông, người Giáy, người Dao, người Tày… bản địa, dẫn nước bằng những ống tre, ống nứa từ con suối, lạch nước trên núi cao về ruộng để ngâm làm mềm đất sau nhiều tháng phơi ruộng. Sau đó, cày ải, gieo mạ cho mùa vụ mới vào tháng bảy. Mỗi năm chỉ làm một vụ nên gần như đồng loạt các ruộng bậc thang ở Tây Bắc đều vào mùa nước đổ. Những tầng bậc của đất được tạo ra từ những đôi tay lao động tài hoa lấp lánh như những tấm bạc, tấm vàng dưới ánh mặt trời rực rỡ. Nước suối về hòa vào đất tạo nên những mảng màu mà đến những họa sĩ tài ba cũng khó phối được. Bởi đó là những mảng màu rất chất của thiên nhiên.
Đi để thấy sự kiên cường của con người đối với thiên nhiên khắc nghiệt. Vùng này, đồi núi nối tiếp nhau ở độ cao từ vài trăm đến khoảng 1.200 mét so với mực nước biển. Rất ít những thung lũng có đất bằng phẳng, tạm gọi là đồng bằng trên cao. Còn lại là đồi thấp, núi cao. Để có lương thực, người ta chia đất núi, đất đồi thành nhiều tầng tránh xói mòn rồi cày cấy. Từ đời này sang đời khác, người ta phá núi, dời đá để có những bậc thang ruộng trồng lúa nuôi sống gia đình. Giữa thiên nhiên hùng vĩ mà không kém phần khắc nghiệt của vùng đất này, ruộng bậc thang là chứng tích con người không chịu khuất phục trước thiên nhiên. Theo năm tháng, thành quả lao động vô cùng vất vả ấy trở thành kiệt tác được tạo nên từ những người lao động bình thường nhất. Nếu người Philippines tự hào ruộng bậc thang của họ là kỳ quan thứ 8 của thế giới bởi chúng có đến 2.000 năm tuổi, thì người Việt càng tự hào hơn về ruộng bậc thang của đồng bào Tây Bắc gắn liền với nền văn minh lúa nước, có từ thời Hùng Vương dựng nước.
Đi suốt con đường biên giới Việt- Trung từ thành phố Lào Cai ngang qua Lủng Pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, để lên Khu Chu Lìn, A Mú Sung, A Lù, Y Tý, Dềnh Sáng, Ngãi Thầu xuống Mường Hươm rồi Tả Van, Lao Chải (Lào Cai) hay vượt đèo Ô Quy Hồ qua Mù Cang Chải, Tú Lệ… mỗi thửa ruộng bậc thang là một kiệt tác đẹp đến ngỡ ngàng. Mới đi lần đầu, cảm giác như bị say- một phần say đèo cao dốc đứng, một phần vì thiên nhiên quá hùng vĩ và những sắc màu phù sa của ruộng bậc thang. Để rồi, tới mùa nước đổ, mùa cấy, mùa gặt, du khách lại nhớ da diết cung đường quanh co qua những thửa ruộng bậc thang. Ai đó bảo, phượt Tây Bắc như lỡ nếm một chất gây nghiện, mà đi đúng mùa nước đổ, mùa gặt là dùng chất gây nghiện liều cao! Vì đi chưa rời đã nhớ. Đến mùa lại da diết đến cồn cào. Để rồi phải sắp xếp công việc, thời gian và kinh phí để vác ba lô lên về Tây Bắc. Kể cả những cư dân du lịch miền Tây, vốn sinh ra từ gốc mạ và lớn lên trên cánh đồng lúa bạt ngàn, vẫn mê đắm những bậc thang ruộng lúa ở lưng chừng trời Tây Bắc. Không ai tới đó một lần rồi thôi. Có không ít người, mỗi năm tới mùa lại lên đường như tìm về nhà.
Sắc màu phù sa ruộng bậc thang Tây Bắc khó có thể tả được hết bằng lời, không thể gom vào hàng ngàn bức ảnh, thước phim của du khách hay gom trọn lại trên giá vẽ của người họa sĩ, mà chỉ thỏa mãn khi đứng trước những kiệt tác đầy nghệ thuật của người lao động cần cù. Lung linh những sắc màu dưới mặt trời. Bàng bạc ma mị dưới ánh trăng đêm./.