Làng nghề dệt truyền thống ở Phùng Xá – Hà Nội
Chỉ với nguyên liệu đầu vào là những sợi bông trắng, cùng việc đầu tư các máy dệt công nghiệp tự động in hoa văn họa tiết có trị giá đến 200 triệu đồng/chiếc nên người làng Phùng Xá đã giảm được rất nhiều thời gian và nhân công so với dệt thủ công ngày trước.
Trước khi dệt đòi hỏi người làm phải mắc sợi cẩn thận, tỉ mỉ để khi sợi được kéo lên đều đặn qua giàn mắc và lên guồng quay. Sau khi quay đủ thì toàn bộ sợi trên guồng sẽ được cuộn đầy vào trục. Trong khi dệt đòi hỏi người thợ phải để ý thay sợi khi sắp hết, tránh lúc dệt sợi không bị đứt mạch giữa chừng dẫn đến sản phẩm bị sùi sợi.
Sau khi khăn đã dệt thô sẽ được mang đi tẩy nhuộm bằng thuốc màu. Tiếp theo công đoạn máy biên là khâu đòi hỏi nhiều nhân công và độ tỉ mỉ cao. Vì sau khi dệt và nhuộm khăn thành những bản to, người làm sẽ phải dọc khăn theo các kích cỡ khác nhau rồi tiến hành máy biên 2 bên chiều dài và máy gập chiều rộng của khăn. Công đoạn cuối cùng đòi hỏi người làm phải xếp từng chiếc khăn một và sửa chỉ để đường kim mũi chỉ trên bề mặt khăn trông đẹp mắt.
Ông Vũ Văn Chùy, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Phùng Xá cho biết, tuy là nghề phụ nhưng dệt khăn mặt đã mang lại nguồn thu nhập chính, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Hiện nay, xã Phùng Xá đang trong quá trình xây dựng đề án phương hướng phát triển thương hiệu khăn Phùng Xá để đẩy mạnh quan hệ đối tác về xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ khăn cho các cơ sở kinh doanh. Qua đó tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, cải thiện nâng cao điều kiện đời sống của nhân dân./.