Non nước Việt Nam

Di sản ở vùng cao xứ Quảng

Cập nhật: 10/07/2017 10:04:51
Số lần đọc: 1472
Xứ Quảng là vùng đất giàu có di sản. Nếu vùng đồng bằng nổi tiếng với hai di sản văn hóa được UNESCO công nhận là khu di tích tháp Chàm Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An thì miền núi có nhiều di sản thiên nhiên và di sản nhân văn độc đáo của các dân tộc. Mỗi lần đến đây ta như phát hiện ra nhiều điều bí ẩn về văn hóa tộc người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.

Cảnh quan thiên nhiên đa dạng

Núi rừng hùng vĩ, tạo nên cảnh sắc thiên nhiên đặc trưng của vùng cao xứ Quảng. Người xưa men theo những ngọn núi cao đầy hiểm trở, làm nên “Con đường muối” huyền thoại. Hiện nay, đường đã trải nhựa, bê tông đến tận xã Axan, trong tương lai sẽ đến các xã biên giới Việt - Lào và khi hoàn thành sẽ có một cửa khẩu quốc tế tại đây. Trên cung đường này có những điểm dừng chân lý tưởng như Đỉnh Quế, nơi để ngắm núi rừng, mây và sương; đỉnh Chơlang cao nhất vùng, có quần thể hoa đỗ quyên rộng 50 ha vừa được khám phá. Những dòng sông sương dưới thung lũng tạo nên cảnh sắc thần tiên chẳng thua gì vùng Tây Bắc. Ruộng bậc thang thôn Arầng chẳng những mang lại lúa gạo, không lo nạn đói giáp hạt mà còn là thắng cảnh được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh.

Độc đáo nhất là quần thể rừng Pơ mu ở xã Axan và Tr’hy (Tây Giang) thuộc khu vực núi Zi’liêng, độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển, trải dài trên diện tích 250 ha, cách huyện lỵ Tây Giang khoảng 40 km về phía Tây, được mệnh danh “Vương quốc Pơ mu”. Quần thể rừng quý hiếm này được người dân địa phương phát hiện trong quá trình mở đường từ năm 2011 và được chính quyền cùng nhân dân bảo vệ nguyên vẹn. Quần thể rừng Pơ mu ở Tây Giang có hơn 2.000 cây, trong đó có hơn 700 cây có độ tuổi trên 700 năm. Tồn tại cả nghìn năm, thiên nhiên đã tạo ra nhiều gốc Pơ mu có hình thù kỳ lạ giống như con rồng, đầu voi, mình hổ. Rừng Zi’liêng - cây Pơ mu được nhân dân nâng niu, gìn giữ và được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao bằng Cây di sản. Rừng Pơ mu thành rừng cây di sản sẽ mở ra hướng phát triển du lịch cho địa phương, đồng thời góp phần bảo vệ nguyên vẹn cánh rừng nguyên sinh, quý hiếm này.

Bên cạnh cây Pơ mu, ở vùng cao còn có hai cây đa sộp (tiếng Cơ Tu gọi là bha’lâng Ri’rêy) cũng là loại cây sống lâu năm, linh thiêng, gần gũi với cộng đồng làng. Tại đây thuộc vùng cao biên giới, nơi xưa kia thôn Arầng sinh sống. Từ đây đi bộ hai ngày về hướng Đông có thôn Abỵ ở vùng trung. Hai thôn bản này sống phóng khoáng, hiếu khách, luôn giúp đỡ nhau như anh em một nhà. Muốn giữ mãi tình đoàn kết quý báu cho muôn đời sau, vào khoảng năm 1310 hai thôn tổ chức lễ kết nghĩa và trồng đôi cây đa làm kỷ niệm tại cổng làng, cây phía Đông của thôn Abỵ, cây phía Tây của thôn Arầng. Đôi cây đa là niềm hãnh diện của ý chí, tình cảm bền chặt, gửi thông điệp cho muôn đời sau hãy sống hiên ngang như cây đa, vượt qua bao phong ba, bão tố của thời gian và lịch sử, giữ mãi tình đoàn kết với các làng, các vùng tạo sức mạnh chung, anh em một nhà. 

Nét văn hóa đặc trưng

Về văn hóa truyền thống, điều gây chú ý nhất cho du khách đến với Tây Giang là việc bảo tồn, gìn giữ các ngôi làng truyền thống. Làng văn hóa truyền thống tại trung tâm huyện Tây Giang giống như một bảo tàng về văn hóa kiến trúc và điêu khắc của người Cơ Tu. Đây không chỉ là nơi dừng chân của du khách, mà còn là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu và khám phá văn hóa tộc người Cơ Tu Quảng Nam. Từ định hướng đúng đắn ấy, hàng loạt làng mới của người Cơ Tu ở Tây Giang được hình thành như thôn Pơr’ning, Ta’ri, Nal (xã Lăng), Aréc, Apát, Bhlố (A Vương), A Tép 2 (Bha Lêê), Anoonh, Acấp, Axoò (Anông), Dầm 1, 2, Achua (Tr’hy), Ga’nil, Arầng 1, K’noonh 3 (Axan), Arooi, Da’ding, Pứt, Apool (Ga’ri)...

Cùng với việc xây dựng, tái định cư để ổn định lâu dài cho cuộc sống của bà con thì phong trào xây dựng nhà làng truyền thống ở Tây Giang phát triển mạnh hơn. Đến nay, hầu như thôn bản nào cũng có nhà gươl, trong số đó có khá nhiều ngôi nhà với kiến trúc và điêu khắc đẹp mắt. Nếu nhà gươl đang tọa lạc tại làng truyền thống Cơ Tu tập trung nhiều tinh hoa về mỹ thuật, trang trí của đồng bào thì nhà làng ở một số nơi như Pơr’ning (xã Lăng), K’noonh 2 (Axan), Voòng (TrHy) cũng không thua kém về nghệ thuật điêu khắc. Bởi vì ở các làng này có những nghệ nhân nổi tiếng như Ker Tíc, Bhriu Pố, Clâu Bhlao... vốn rất giỏi về điêu khắc gỗ. Họ hầu như dồn hết tài năng nghệ thuật để làm đẹp cho ngôi nhà chung của làng.

Hơn thế nữa, các nghệ nhân tạc tượng nơi đây còn tham gia các trại sáng tác điêu khắc gỗ dân gian và phục dựng nhà làng truyền thống Cơ Tu tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang có sự kết hợp hài hòa giữa cái cũ và cái mới, có sự xen lẫn giữa văn hóa vật thể và phi vật thể. Làng truyền thống với nhà làng và các công trình kiến trúc mang dấu ấn tộc người là thiết chế văn hóa hợp lý, “đúng chất” ở bản làng để đồng bào tiếp tục duy trì mạch nguồn văn hóa. Đây chính là lý do, ý nghĩa sâu xa để Liên hiệp các Hội UNESCO quyết định bảo trợ cho làng văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu.

Tây Giang là nơi giàu di sản vì may mắn có được những ưu ái của thiên nhiên và vốn liếng được tích lũy từ ngàn đời làm nên di sản tộc người. Điều này làm cho huyện vùng cao xứ Quảng thêm tiềm năng để phát triển văn hóa, du lịch bền vững./.

Nguồn: langvietonline.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT