Khám phá "làng nướng cá" Hộ Độ - Hà Tĩnh
Qua khỏi cầu Hộ Độ là đã tới ngay đầu làng cá nướng. Mùi thơm từ cá dậy trong không khí như tấm biển chỉ dẫn cho người đi qua biết về làng nghề này. Gọi là làng nghề nhưng ở Hộ Độ số người làm nghề dọc tỉnh lộ 9 cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Không biết từ bao giờ, nghề nướng cá đã được thai nghén tại đây. Cứ thế hệ này sang thế hệ khác, đàn bà không đi học, làm ăn xa thì ở nhà chung thủy với nghề này. Bởi cái nghề cũng không phụ công người, mỗi tháng cũng giúp họ trang trải cuộc sống. Nhiều người cũng khấm khá đi lên từ nghề truyền thống này.
Đến khoảng 7 giờ sáng thì cá về tới các gia đình, những lao động ở làng nghề Hộ Độ lại nhanh tay rã đông, làm sạch ruột, phơi ráo. Sau đó, người ta dùng một qua tre xuyên từ đầu đến bụng cá. Cách này giúp nướng cá dễ hơn và giữ cho cá không bị bể nát trong quá trình nướng. Để cá chín đều, trước khi nướng, họ cẩn thận dùng dao khía từng đường nhỏ lên thân cá. “Loại cá này thịt dày, béo nên khi nướng lên có mùi thơm ngậy. Đến khi lửa vừa độ, lớp mỡ bên trong da cả chảy ra quện vào thịt cá ăn không khô mà còn rất bùi và béo. Ngoài loại cá này, còn nướng cả cá ve, cá trích và cá thu…
Để giữ được mức lửa vừa phải, cá chín đến độ, đòi hỏi người nướng phải có kinh nghiệm, lật trở càng đều tay, cá càng thơm ngon. Ai học nhanh cũng mất cả năm trời mới quen nghề. Mỗi ngày , ở mỗi sạp cá tiêu thụ từ 400- 500 con cá. Nhưng những dịp hè đến hay đặc biệt là dịp Tết, số cá này được tăng lên gấp đôi vì lượng người mua nhiều về ăn hoặc làm quà.
Nhờ hương vị đặc trưng, con cá nướng ở Hộ Độ không chỉ bán trong huyện, trong tỉnh mà còn theo ô tô, máy bay đến tận Hà nội, Sài Gòn, Đồng Nai… Những người ăn quen, đi xa về quê lại ghé nơi đây mua về dự trữ ăn dần hay làm quà biếu./.