Tăng cường bảo vệ môi trường tại các Khu du lịch quốc gia
Tham dự hội thảo có ông Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL); bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cùng đại diện các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và môi trường.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Từ Mạnh Lương cho biết, trong những năm qua, ngành Du lịch có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, các khu du lịch quốc gia đã thu hút một lượng khá lớn khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên trong quá trình phát triển cũng đã có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến môi trường du lịch tại một số nơi. Để đạt được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các khu du lịch quốc gia cần phải thực hiện là bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch một cách bền vững.
Ông Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận và ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại các khu du lịch quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác bảo vệ môi trường. Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất quan điểm phát triển du lịch phải đi đôi với công tác bảo vệ môi trường theo hướng phát triển du lịch bền vững, tăng trưởng xanh.
Theo ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh, những năm gần đây chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên chuyển hướng tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” bằng cách giảm dần khai thác than sang ưu tiên phát triển du lịch theo hướng bền vững, đồng thời làm tốt công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, di sản. Với lượng khách du lịch ngày càng tăng, nguồn thu từ phí tham quan trên vịnh Hạ Long đã mang lại hơn 1.000 tỷ đồng/năm.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, dự kiến đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 46-47 khu du lịch quốc gia, đây sẽ là động lực thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam. Chính vì vậy, ngành Du lịch xác định, bảo vệ môi trường du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; đối với các khu du lịch quốc gia, việc bảo vệ môi trường lại càng là yêu cầu cấp thiết. Để phát triển bền vững tại các khu du lịch quốc gia, ngành Du lịch sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, chú trọng công tác qui hoạch phát triển các khu du lịch đảm bảo tính khoa học; tăng cường năng lực quản lý môi trường trong các khu du lịch, khu bảo tồn, vườn quốc gia; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch bền vững…
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) xây dựng “Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch”, đang lấy ý kiến để hoàn thiện vào cuối năm 2017. Bên cạnh đó là việc đưa vào áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá các khu du lịch, điểm du lịch (từ tháng 12/2016), bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, kế hoạch tăng cường công tác quản lý điểm đến du lịch (từ tháng 3/2017)… cùng các văn bản liên quan sẽ góp phần tăng cường hiệu quả về bảo vệ môi trường du lịch nói chung và bảo vệ môi trường tại các khu du lịch quốc gia nói riêng.
Thế Phi