Du lịch cần được tháo gỡ điểm nghẽn để tạo đà phát triển
Toàn cảnh diễn đàn (Nguồn ảnh: Báo Tổ quốc)
Diễn đàn lần này có chủ đề “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5” với sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Tham dự đối thoại tại diễn đàn, về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn.
Tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đối thoại với khoảng 1.000 doanh nghiệp tư nhân về các lĩnh vực: Du lịch, Kinh tế số và Nông nghiệp. Đây cũng là 3 ngành đang được Chính phủ xác định là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030.
Trên tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW và mục tiêu Chính phủ đề ra, đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đón được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tạo ra 4 triệu việc làm. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt được mục tiêu này, ngành Du lịch cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Trong đó mục tiêu trước mắt là tháo gỡ những khó khăn mà ngành đang gặp phải.
Theo đề xuất của Nhóm công tác Du lịch của VPSF, “Quảng bá xúc tiến”, “Thị thực” và “Môi trường an toàn – xanh và sạch” là 3 “điểm nghẽn” chính của ngành du lịch cần được tháo gỡ.
Về công tác xúc tiến quảng bá, cộng đồng doanh nghiệp chỉ rõ Việt Nam mới chỉ chi 2 triệu USD/năm cho xúc tiến du lịch, đây là mức chi thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN, do vậy chưa đảm bảo được hiệu quả xúc tiến quảng bá cũng như sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Về thị thực, đến nay Việt Nam đã miễn thị thực cho 23 quốc gia và triển khai thí điểm cấp thị thực điện tử cho 40 quốc gia. Tuy nhiên đây là con số khá khiêm tốn trong khi các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan... đã miễn cho từ 160 – 169 quốc gia.
Về xây dựng môi trường an toàn – xanh và sạch: theo xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố vào cuối tháng 3 vừa qua, Việt Nam được đánh giá cao với nhiều chỉ tiêu vượt trội như tài nguyên văn hóa (hạng 30), tài nguyên tự nhiên (hạng 34) và sức cạnh tranh về giá (hạng 35). Việt Nam cũng thể hiện sự cải thiện đối với năng lực và mức độ sử dụng công nghệ thông tin (hạng 80/136, tăng 17 bậc so với năm 2015). Tuy nhiên một số chỉ tiêu về môi trường như Nạn phá rừng, Hạn chế xử lý nước, Quy định lỏng lẻo về môi trường... lại bị đánh giá thấp. Bên cạnh đó, hình ảnh Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như giao thông thiếu an toàn, tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách...
VPSF cũng đề xuất những giải pháp cụ thể cho từng “điểm nghẽn” nhằm tạo đột phá cho ngành Du lịch trong thời gian tới.
Đồng tình và đánh giá cao những đề xuất của Nhóm công tác Du lịch của VPSF, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, 3 vấn đề mà đại diện doanh nghiệp đưa ra rất đúng với những vấn đề mà Du lịch Việt Nam đang gặp phải.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cũng khẳng định, ngay sau Hội nghị toàn quốc về phát triển Du lịch diễn ra vào tháng 8/2016 tại tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần giải quyết những vấn đề trước mắt và tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Trong năm 2016 và 7 tháng đầu năm 2017, ngành Du lịch tuy đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng chưa từng có, song dư địa của ngành còn rất lớn và có thể phát triển mạnh hơn nữa nếu những khó khăn nêu trên được tháo gỡ. Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ tạo điều kiện của Chính phủ, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn bày tỏ kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan cần chủ động, nâng cao vai trò và trách nhiệm trong việc thúc đẩy du lịch phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành liên quan tiếp tục cải cách đổi mới trên cơ sở chính sách của Đảng, Nhà nước đề ra, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, bảo vệ quyền kinh doanh, sự bình đẳng, cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp…
Đối với các doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. “Chính phủ quyết tâm thực hiện kiến tạo, hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn thiếu chuẩn mực, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, không dễ bằng lòng, cố gắng nâng tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế của khối tư nhân từ 50-60% GDP”.
VPSF là sáng kiến của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Sáng kiến phát triển khu vực tư nhân tiểu vùng Mekong MBI (do Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB và Chính phủ Australia thiết lập). Đây là cơ hội để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng đối thoại, trao đổi về những tồn tại, vướng mắc của khu vực kinh tế tư nhân. Từ đó đề xuất Chính phủ các giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa doanh nghiệp. |
Khánh Trang