Về vùng cao Tây Bắc vui Tết độc lập
Những ngày này, các chàng trai, cô gái người Mông lại sắm sửa cho mình những trang phục đẹp nhất, cùng nhau xuống phố thị để giao lưu, gặp gỡ và tìm người thương.
Theo phong tục của tổ tiên mình, đồng bào Mông chỉ ăn tết một lần vào dịp cuối năm Dương lịch. Nhưng lâu nay, đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mộc Châu đã hình thành nên một cái tết mới - đó là tết Độc lập mừng quốc khánh 2/9.
Ngày hội này, lúc đầu chỉ là một “Đêm hội người Mông”, nghĩa là chỉ của riêng người Mông, nhưng dần dà sau thời gian đã thu hút được đông đảo bà con các dân tộc khác như: Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú, Sinh Mun... ở các địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh và cả ở nước bạn Lào. Thị trấn nhỏ trên cao nguyên Mộc Châu trở thành điểm đến của hội ngộ, là dịp đồng bào Mông trao đổi tình cảm, gắn kết cộng đồng, nơi trai gái tìm nhau rồi nên nghĩa trăm năm.
Bắt đầu từ ngày 31/8, người dân khắp các bản làng vùng cao Mộc Châu náo nức chuẩn bị đi dự hội. Những người phụ nữ mải miết cấy hái, chuẩn bị váy áo đẹp nhất để đến chợ mua sắm, đàn ông tranh thủ làm lụng để sớm được xuống chợ dự ngày hội. Thiếu nữ Mông thì diện những chiếc váy xòe mà có khi họ thêu thùa cả năm mới xong, như thể chỉ dành riêng cho ngày đặc biệt này. Con trai Mông cũng áo quần bảnh bao, mũ nồi ngất ngư, khăn vuông vắt vẻo, vác khèn điệu nghệ và bên mình đeo chiếc cát-xét nhỏ phát những ca khúc tình tứ tiếng Mông. Trai gái tụ tập thành từng nhóm, trêu đùa, hát giao duyên cho đến sáng. Đêm 1/9, người dân từ khắp các làng bản xa đã đổ về trung tâm huyện lỵ. Trên đường phố chính, dòng người kéo dài hàng cây số. Dường như cả đêm hôm đó không ai ngủ, mọi người đi dọc các con phố sáng trưng đèn, qua các cửa hàng mở thâu đêm, ăn phở, chụp ảnh, hoặc ngồi quây quần uống rượu, hát hò, thăm hỏi...
Bên cạnh là những khuôn mặt du khách háo hức, tò mò, đầy phấn khích ngắm nhìn và tham gia vào các hoạt động vui chơi như thi ẩm thực (giã bánh dày), các trò chơi dân gian truyền thống như bắn nỏ, đẩy gậy, tung còn, đánh tu lu, ném pao, trò chơi dân gian tok mak lek... Không khí như nóng bỏng bởi tiếng reo hò, cổ vũ cuồng nhiệt của của cả người dân địa phương lẫn khách du lịch. Cả một vùng cao nguyên xanh rộn ràng trong âm thanh và sắc màu đắm say của ngày hội, tạo nên một bức tranh núi rừng vừa hoang sơ, vừa lộng lẫy một cách kỳ ảo./.