Hành trang lữ khách

Khám phá thành phố biển Nha Trang

Cập nhật: 28/08/2017 09:09:15
Số lần đọc: 3734
Nha Trang, thuộc tỉnh Khánh Hòa, là một trong những thành phố du lịch biển nổi tiếng nhất của Việt Nam. Các bãi biển dọc chiều dài thành phố và trên các đảo thuộc Vịnh Nha Trang đều là những thắng cảnh tuyệt vời thu hút du khách trong và ngoài nước.

Đến với Nha Trang, du khách có nhiều lựa chọn để tham quan, trải nghiệm và khám phá những nét độc đáo của xứ Trầm Hương.

Tháp Bà Ponagar

Tháp Bà tọa lạc ở cửa sông Cái, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2 km về phía Bắc, là một trong những quần thể kiến trúc thuộc nền văn hóa Champa có quy mô vào loại lớn nhất còn lại ở miền Trung Việt Nam, được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ XIII. Đây là ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ, cao khoảng 50m so với mực nước biển.


Tổng thể kiến trúc của Khu Tháp Bà Ponagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Ở tầng thấp, ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng ngày nay không còn nữa. Tiếp theo là những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa.

Ở tầng giữa là nơi dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật, với chiều dài 20m, rộng 15m, gồm 4 hàng cột hình bát giác, bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ. Trên thân các cột lớn có các lỗ mộng, khoét sâu vào thân cột, đối xứng ngang bằng với đỉnh của các cột nhỏ.

Tầng trên cùng là nơi các ngọn tháp tọa lạc. Những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây khít mạch. Tháp thờ chính ở dãy trước cao khoảng 23m, thờ nữ thần Ponagar, mà theo sử sách, nữ vương Ponagar, còn gọi là Yan Pu Nagara, Po Inunagar là vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra trái đất, sản sinh gỗ quý, cây cối và lúa gạo.

Tháp Ponagar có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần, hình thú bằng đá. Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cỡi ngưu thần Nandin và các tượng linh vật.

Từ ngày 21 đến ngày 23/3 âm lịch hàng năm là thời điểm diễn ra lễ hội Tháp Bà với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm giới thiệu, tôn vinh những nét đẹp của văn hoá Chăm.

Tại tháp bà Ponagar Nha Trang còn có một đội múa Chăm biểu diễn hàng ngày để phục vụ du khách. Không sử dụng “sân khấu hóa”, các thiếu nữ được tuyển chọn từ cộng đồng dân tộc Chăm trên nền nhạc truyền thống đã thể hiện tâm tư tình cảm của mình, tình yêu lứa đôi nam nữ, ca ngợi tinh thần lao động… khiến cho không khí ở Tháp bà thêm nhộn nhịp, vui tươi, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Nhà thờ Đá Nha Trang

Nằm ngay giữa trung tâm thành phố, nhà thờ đá Nha Trang là địa điểm thu hút rất nhiều du khách, các nhà quay phim và nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Tên chính thức của nhà thờ là Nhà thờ Chánh tòa Kitô Vua, nhưng thường được người dân trong vùng nhắc đến với tên gọi giản dị là nhà thờ đá, nhà thờ Nha Trang, nhà thờ Ngã Sáu. Phổ biến hơn cả vẫn là tên gọi Nhà thờ Núi.



Nhà thờ được dựng nên bởi các khối đá lập thể vương dần từ thấp lên cao. Trên cùng là đỉnh tháp chuông nơi đặt thánh giá. Nhà thờ có mái vòm rộng, nhiều ô cửa có họa tiết đặc trưng phong cách gothic của Tây Âu. 


Điểm nổi bật nhất của nhà thờ là nhà nguyện. Bước vào nhà nguyện là một không gian mênh mong, yên tỉnh, thoáng đảng, tràn ngập ánh sáng, đặc biệt nhìn lên mái vòm là những hình uốn cong hướng lên bầu trời, được trang trí bằng những hoa văn giản dị nhưng không kém phần hấp dẫn, những bức họa trên trên tường nói về cuộc khổ nản của Chúa Giê Su, những cửa sổ được trang trí bằng kính màu có các kiểu hoa văn khác nhau tạo ra một ánh sáng đầy màu sắc góp phần tô đậm vẻ trang nghiêm của nhà thờ.

Nhà thờ Đá Nha Trang không chỉ là điểm đến hấp dẫn du khách mà giới nhiếp ảnh cũng đặc biệt ưa thích điểm đến này ở xứ Trầm Hương. Nhà thờ mở cửa đón khách tất cả các ngày trong tuần từ 8h sáng và vẫn duy trì các buổi giảng đạo vào buổi sáng và buổi chiều.

Viện Hải dương học Nha Trang

Viện Hải dương học Nha Trang nằm trên một khu đất cao ráo, rộng rãi tại số 1, Cầu Đá, là một viện nghiên cứu đời sống động thực vật hải dương tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. 
Đến thăm Viện Hải dương học Nha Trang, du khách được nhìn thấy những mẫu vật sống được nuôi thả trong những bể kính cùng hệ thống mẫu vật, hiện vật, sinh vật biển vô cùng phong phú, đa dạng.

Bảo tàng sinh vật biển trong Viện Hải dương học Nha Trang cũng lưu giữ trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loại sinh vật biển và nước ngọt đã được sưu tầm, gìn giữ từ nhiều năm, trong đó đặc biệt phải nhắc đến một di vật lịch sử tự nhiên vô cùng quý giá là bộ xương cá voi khổng lồ dài gần 18m, cao 3m đã bị chôn vùi trong lòng đất ở đồng bằng sông Hồng ít nhất hơn 200 năm.
 


Là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học được ra đời sớm nhất ở Việt Nam và được coi là cơ sở lưu trữ hiện vật và nghiên cứu về biển lớn nhất Đông Nam Á, Viện Hải dương học Nha Trang là một điểm đến không nên bỏ qua ở thành phố biển Nha Trang.

Hòn Mun

Hòn Mun là một trong những hòn đảo thơ mộng nhất trong hệ thống đảo của Nha Trang. Hòn Mun cách cảng Cầu Đá 10 km (khoảng 30 phút đi tàu).


Không chỉ hấp dẫn bởi cát trắng, biển xanh, những tổ yến hoang sơ trên cheo leo vách đá… nơi đây còn nổi tiếng là một trong những “thủy cung” giàu và đẹp nhất của biển Đông Nam Á.

Hòn Mun cũng là điểm đến nổi tiếng với nhiều dịch vụ biển và khám phá biển bằng tàu đáy kính và dịch vụ lặn biển.
 


Hòn Tằm

Hòn Tằm là một trong những hòn đảo nổi bật ở Nha Trang. Các công trình trên đảo Hòn Tằm được xây dựng khá công phu bởi thiết kế tuy hiện đại nhưng vẫn gần gũi với thiên nhiên.

Được thiên nhiên ưu ái ban tặng vẻ đẹp nguyên sơ và thuần khiết cùng với địa thế nằm giữa vùng biển trong xanh bốn mùa đầy nắng gió, đảo Hòn Tằm trở thành địa điểm lý tưởng cho những ai yêu thích du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

Đảo Hòn Tằm cũng hội đủ các trò chơi trên biển, phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi và tham quan như: tắm biển, bóng chuyền bãi biển, chèo thuyền Kayak, Floating Park hay các trò chơi cảm giác mạnh như: Flyboard, mô tô nước, dù bay… với những chỉ dẫn và báo giá rõ ràng.
 


Đặc biệt, nằm giữa đảo Hòn Tằm hiện nay còn có khu nhà cổ và làng nghề thủ công trên 200 năm tuổi, giúp du khách tìm hiểu truyền thống văn hóa địa phương với các nghề làm đồ gốm, dệt thổ cẩm, nấu rượu, thủ công mỹ nghệ… từ các nghệ nhân lành nghề; đồng thời còn được tự tay làm đồ gốm, dệt vải…/.
Nguồn: cinet.vn

Cùng chuyên mục