Trao bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho Hò khoan Lệ Thủy
Ủy ban huyện Lệ Thủy đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Hoạt động này nhằm tôn vinh giá trị nhân văn của loại hình nghệ thuật truyền thống, góp phần bảo tồn văn hóa quý giá của dân tộc trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển.
Hò khoan Lệ Thuỷ là một loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian của người dân huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Hò khoan Lệ Thủy vừa bình dân, vừa chuyên nghiệp, lại vừa đặc sắc, vốn có lịch sử tồn tại, phát triển từ rất xa xưa trong đời sống của người dân địa phương.
Trải qua một quá trình, Hò khoan Lệ Thuỷ đã trở thành hoạt động văn hoá, nghệ thuật không thể thiếu trong những dịp sinh hoạt cộng đồng của người dân xứ Lệ.
Điệu hò lỉa trâu
Hò khoan Lệ Thủy thể hiện 9 mái đã có từ xa xưa truyền nối gồm: Mái chè, mái nện, mái xắp, mái ba, mái ruổi, mái nhì, hò khơi, hò nậu xăm, hò lỉa trâu.
Nét độc đáo của điệu hò này là một mình hò cũng được, hai người càng hay, càng đông càng tốt; ai cũng làm diễn viên, ai cũng là khán giả. Nếu chỉ một mình thì vừa hò cái, vừa hò con. Hai người trở lên thì một người hò cái, nhiều người hò con.
Thể hiện các đề tài như: Hò thi nhau, hò trêu tức, hò đố, hò cái trục trặc, hò nối hơi, nối sức… Hò khoan Lệ Thủy là một loại hình sáng tác, vừa biểu diễn sáng tác khớp vào thời gian nhịp điệu, nó không có luật rõ nhưng với điều kiện phải đúng nhịp để ràng buộc.
Ca sĩ Phạm Phương Thảo với ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi”.
Bên hò xướng lên một câu bất kỳ đề tài gì, càng hóc búa càng hay, bên kia phải hò đáp lại ngay nên làm cho mọi người cuốn hút, hấp dẫn tìm lời ứng xử nhanh.
Hò khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia thêm một lần nữa khẳng định giá trị truyền thống của điệu hò sông nước, góp phần lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa lâu đời của cha ông, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây./.