Du lịch cộng đồng vùng miền núi Thanh Hóa
Với bản sắc văn hóa độc đáo đa dạng, tạo nên bức tranh nhiều màu sắc về đời sống văn hóa, xã hội. Xác định du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa có nhiều chủ trương, quyết sách nhằm phát huy lợi thế vị trí địa lý, các giá trị tài nguyên để phát triển du lịch.
Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020; UBND tỉnh phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vương Thị Hải Yến chia sẻ: Bên cạnh việc xác định phát triển mạnh sản phẩm du lịch biển, đẩy mạnh xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch văn hóa, tỉnh cũng đang quan tâm và đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Vườn quốc gia Bến En, Thác Ma Hao - Bản Năng Cát (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh), tuyến du lịch dọc theo sông Mã… Vài năm gần đây, đồng bào các dân tộc vùng miền núi Thanh Hóa từng bước làm quen và hăng hái tham gia các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng. Loại hình du lịch này cũng bắt đầu hình thành và phát triển tại khu du lịch Pù Luông, Vườn quốc gia Bến En…
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cách thành phố Thanh Hóa khoảng 130 km về phía tây bắc, thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước, là một trong những điểm đến còn khá mới mẻ với du khách. Chưa có nhiều dịch vụ du lịch ở đây, nhưng vẻ đẹp mộc mạc, nguyên sơ của Pù Luông với những thửa ruộng bậc thang, những nếp nhà sàn giản dị, lại có sức hấp dẫn riêng đối với những người yêu thiên nhiên, thích trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng tại vùng miền núi Thanh Hóa còn nhỏ lẻ, chưa thật sự phát huy hết tiềm năng và giá trị đặc sắc của các loại hình văn hóa đang lưu giữ trong cộng đồng. Để loại hình du lịch cộng đồng phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh về tài nguyên du lịch, văn hóa bản địa của các dân tộc, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc miền tây tỉnh Thanh Hóa, cần tính toán những tác động của hoạt động du lịch tới đời sống văn hóa của cộng đồng, làm thế nào để đồng bào vừa tham gia làm du lịch, vừa bảo tồn được văn hóa đặc sắc của địa phương…
Phó Giám đốc Công ty du lịch Vietravel chi nhánh Hà Nội Phạm Văn Bảy cho biết, người dân bản địa cần được trang bị kiến thức, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch, dịch vụ ăn uống, lưu trú, văn hóa giao tiếp ứng xử. Bên cạnh đó, đội ngũ những người tham gia hoạt động du lịch cần được tập huấn nghiệp vụ quản lý hoạt động du lịch và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường…
Một trong những hoạt động để tạo cơ hội thu hút khách du lịch đến với Thanh Hóa là chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng lấy điểm đến, sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch làm tiêu điểm; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức các chương trình tiếp thị, kết nối khai thác các tua, tuyến đưa khách về Thanh Hóa; liên kết chặt chẽ với Hà Nội, Ninh Bình và các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ, Tây Bắc mở rộng…/.