Tổng cục Du lịch tổ chức Tọa đàm phát triển du lịch Hành lang kinh tế Đông Tây
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tọa đàm có sự tham dự của các đoàn đại biểu Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam; lãnh đạo các Sở Du lịch, Sở VHTTDL Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hiệp hội lữ hành các địa phương.
Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) là một trong 3 sáng kiến về Hành lang kinh tế trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS) do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Nhật Bản khởi xướng, đã được thảo luận và thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia GMS lần thứ 8 tại Philippines vào tháng 10/1998 và Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 chính thức đưa vào Chương trình hành động Hà Nội tháng 12/1998.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành nhận định trong những năm qua, nhờ tác động của EWEC, hoạt động kinh tế, thương mại và du lịch giữa Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar đã tăng mạnh, các trục giao thông trên EWEC được kết nối đã giúp các nước EWEC tiếp cận dễ dàng hơn với các trung tâm kinh tế trong khu vực. Nhờ phát triển giao thông vận tải, liên lạc và kinh tế, các nước EWEC đã đang và sẽ có thêm nhiều cơ hội và lợi thế phát huy tiềm năng của mỗi nước và của khu vực để phát triển du lịch do tính chất vừa thống nhất, vừa tương đồng nhưng cũng rất đa dạng, phong phú về loại hình du lịch: di sản, di tích lịch sử, văn hóa, sinh thái…
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (trái) phát biểu tại tọa đàm
Mặc dù có tiềm năng rất lớn về du lịch, có lợi thế so sánh cao, nhưng mức độ phát triển du lịch dọc hàng lang Đông Tây còn hạn chế, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế để tạo ra các sản phẩm du lịch chung có sức cạnh tranh, chưa kết nối các điểm du lịch hấp dẫn trên tuyến hành lang để tạo ra sản phẩm chung hấp dẫn.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về hiện trạng, những khó khăn và giải pháp trong hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch… Nhân dịp này, Việt Nam đề xuất xây dựng các tour du lịch chuyên đề trên tuyến hành lang Đông Tây như: tour du lịch mạo hiểm, tour du lịch trải nghiệm văn hóa, tour du lịch lịch sử, tour du lịch mới với những trải sản phẩm mới, độc đáo.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Từ ngày 18-23/9/2017, đoàn FAM gồm các đại diện các công ty lữ hành, hiệp hội lữ hành, hiệp hội hướng dẫn viên, cơ quan du lịch quốc gia của Myanmar, Lào, Thái Lan đã tham gia đoàn FAM đi khảo sát đầu phía Đông của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây qua các tỉnh khu vực miền Trung Việt Nam.
Cuộc khảo sát và tọa đàm này do Tổng cục Du lịch tổ chức nhằm mục đích thúc đẩy du lịch, tăng cường kết nối các điểm đến, tour du lịch giữa các tỉnh thành của các nước nằm trên tuyến hành lang Đông Tây.
Phạm vi không gian nghiên cứu phát triển du lịch hành lang Đông Tây gồm các tỉnh Mawlamyine, Myawady (Myanmar); Mae Sot, Tak, Phisanulok, Khon Kaen, Nakhon Phanom, Kalasin, Mukdahan (Thái Lan); Savanakhet, Champasak, Salavan (Lào); và Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam (Việt Nam). Khu vực hành lang Đông Tây là nơi tập trung nhiều tài nguyên tự nhiên, nhân văn. Nơi đây có các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, nhiều bãi biển đẹp, khí hậu trong lành dọc đường bờ biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam trên lãnh thổ Việt Nam, từ Mawlamyine đến Myawady trên lãnh thổ Myanmar thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển, nghỉ cuối tuần. Bên cạnh đó, khu vực này còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống, lễ hội, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của các làng dân tộc khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt đây là nơi có các di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới: Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Đô thị cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng (Việt Nam), Cố đô Sukhothai (Thái Lan), Cố đô Vesali (Myanmar). |
Thực hiện: Khánh Luân, Truyền Phương