Hoạt động của ngành

Hội thảo xúc tiến du lịch Việt Nam tại Pháp

Cập nhật: 27/09/2017 08:13:46
Số lần đọc: 958
(TITC) – Chiều ngày 26/9 (theo giờ địa phương), Hội thảo xúc tiến du lịch Việt Nam đã diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Top Resa tại thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp.


Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo diễn ra với sự chủ trì của ông Nguyễn Ngọc Sơn - Đại sứ Việt Nam tại Pháp; ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) và ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội. Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Thành Vượng - Giám đốc Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp; bà Trần Thị Hoàng Mai - Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực nước CHXHCN Việt Nam bên cạnh UNESCO; lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội cùng các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và Pháp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị nồng ấm giữa hai nước Việt Nam - Pháp và vui mừng thông báo với các đại biểu, với vai trò là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, năm 2016 ngành Du lịch Việt Nam đã đón trên 10 triệu khách quốc tế, đóng góp gần 7% GDP nền kinh tế quốc dân. Dự kiến năm 2017 sẽ đón khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế. Mục tiêu đến năm 2020 đón từ 17-20 triệu lượt khách quốc tế; Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có sức cạnh tranh trong khu vực.

Trong những năm qua, Việt Nam vẫn luôn được xem là một điểm đến hấp dẫn với du khách Pháp với nền văn hóa độc đáo, các di sản thế giới nổi tiếng được UNESCO công nhận như Vịnh Hạ Long, kinh thành Huế, phố cổ Hội An...  cùng với đó là các công trình kiến trúc mang dấu ấn văn hóa Pháp. Trong đó, không thể không kể đến thành phố Hà Nội nghìn năm văn hiến. Với những tiềm năng đó, Việt Nam có lợi thế đặc biệt để thu hút khách du lịch Pháp. Bên cạnh đó, du khách Pháp đến Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi khi đã được miễn thị thực nhập cảnh và có đường bay thẳng từ Paris tới Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với đội tàu bay hiện đại.


Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL) phát biểu tại hội thảo

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, sự phát triển du lịch sẽ đóng góp quan trọng vào việc tăng cường giao lưu văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Pháp.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe đoàn Việt Nam đã giới thiệu tổng quan về du lịch Việt Nam, các dòng sản phẩm chủ đạo gồm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển đảo và du lịch đô thị; các điểm đến nổi tiếng như Hà Nội, Hạ Long, Hội An, Sa Pa, Hà Giang, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Tp. Hồ Chí Minh; Đồng bằng sông Cửu Long, Phú Quốc; xem clip phim giới thiệu về những danh lam thắng cảnh, làng cổ, dịch vụ lưu trú cao cấp, hiện đại, dịch vụ vui chơi giải trí... của Hà Nội.

Về chính sách phát triển du lịch của Việt Nam, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL) cho biết, Việt Nam đã xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Việt Nam ngày càng tăng, trong nước đã hình thành nhiều khu nghỉ dưỡng, dịch vụ lưu trú cao cấp. Cùng với đó, chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch như miễn thị thực, cấp thị thực điện tử, bảo đảm an ninh an toàn cho khách du lịch. Năm 2016, Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015; trong 9 tháng đầu năm 2017 đã có trên 9,4 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.


Trong bài giới thiệu về tiềm năng du lịch Hà Nội, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn thông qua các hoạt động tại hội chợ và hội thảo lần này, doanh nghiệp Việt Nam và Pháp sẽ tăng cường kết nối, hợp tác, tìm kiếm cơ hội thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa hai bên.

Đoàn Việt Nam cũng đã dành thời gian để trao đổi và giải đáp những câu hỏi của đối tác và báo chí Pháp về du lịch Việt Nam. Về mối quan tâm của các đại biểu, doanh nghiệp Pháp về các chương trình biểu diễn nghệ thuật, ông Nguyễn Quý Phương cho biết, hiện nay bên cạnh loại hình nghệ thuật nổi tiếng múa rối nước, các nhà hát của Việt Nam đã xây dựng và đưa vào trình diễn nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc như “Làng tôi”, “Tâm hồn Làng Việt”, nghệ thuật hát chèo, hát văn; khu vực miền Trung có nghệ thuật Chăm, Champa show, Dream show, khu vực miền Nam có À ố show... và nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống và hiện đại phục vụ khách du lịch.

Năm 2016, Việt Nam đã đón 240.808 lượt khách Pháp, tăng 13,8% so với năm 2015. Trong 9 tháng đầu năm 2017, đã có 193.212 lượt khách Pháp đến Việt Nam, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2016. Pháp là một trong năm thị trường Tây Âu quan trọng của du lịch Việt Nam đã được miễn thị thực khi nhập cảnh vào Việt Nam từ năm 2015, bên cạnh Anh, Đức, Tây Ban Nha và Italia.

Thực hiện: TH-Thanh Tâm

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục