Lễ cấp sắc của người Dao vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO
Theo đó, tại Tuyên Quang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa phối hợp với UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Dao trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước”. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các nghệ nhân đồng bào dân tộc Dao.
Theo thống kê, hiện nay, trên cả nước có gần 800.000 người Dao, chia thành 9 ngành. Trong quá trình lao động sản xuất, đồng bào dân tộc Dao đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mang đậm sắc thái riêng của mình. Các giá trị văn hóa vật chất được thể hiện rõ nét trong cấu trúc làng, bản, kiến trúc nhà ở, trang phục, trang sức, ẩm thực, nghề truyền thống. Tuy nhiên, do ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường, nhiều di sản văn hóa vật thể của dân tộc Dao đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề về: Tổng quan nghiên cứu về người Dao ở Việt Nam, Di sản văn hóa dân tộc Dao - những giá trị bảo tồn và phát huy, Giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao ở Tuyên Quang, Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Dao trong thời kỳ hội nhập và phát triển, Phát huy vai trò người uy tín trong bảo tồn giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao hiện nay, Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghi lễ của người Dao ở nước ta hiện nay, Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Dao trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, Cơ chế bảo tồn di sản văn hóa của người Dao, Những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc dao nhằm đáp ứng phát triển bền vững đất nước…
Hội thảo đã thu nhận được nhiều kết quả quan trọng đóng góp cho việc giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc Dao. Qua Hội thảo lần này, Ban tổ chức Hội thảo thống nhất đề xuất Chính phủ; Bộ Văn VHTTDL cho phép làm hồ sơ Lễ cấp sắc của người Dao vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO.
Cấp sắc là một nghi thức đặc trưng và không thể thiếu được của người đàn ông Dao, được tiến hành một lần duy nhất trong đời. Người đàn ông phải trải qua lễ cấp sắc mới được cộng đồng làng bản công nhận đã trưởng thành, được tham gia các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của dòng họ. Lễ cấp sắc của người Dao gồm nhiều nghi lễ như: đặt tên âm, lễ cấp sắc ba đèn, lễ cấp sắc bảy đèn, lễ cấp sắc 12 đèn và lễ đội đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn tổ tiên... Thời gian tiến hành lễ cấp sắc kéo dài từ một đến năm ngày, ngày tháng thực hiện cấp sắc được chọn rất cẩn thận. Sau khi các thầy khấn, làm các thủ tục, xin âm dương, thần linh, người được cấp sắc sẽ chính thức được đặt tên âm và được công nhận là người đã trưởng thành.
Hội thảo cũng kiến nghị Bộ VHTTDL, UBND các tỉnh liên quan có chính sách cụ thể nhằm bảo tồn tiếng nói và chữ viết của người Dao; tổ chức điều tra, sưu tầm và phổ biến di sản văn hóa người Dao; phát huy vai trò của các nghệ nhân, người có uy tín, đặc biệt là các thầy cúng của cộng đồng người Dao…/.