Hoạt động của ngành

Phục chế và sản xuất thành công pháp lam trong trùng tu di tích Huế

Cập nhật: 18/10/2017 09:50:04
Số lần đọc: 605
Pháp lam là những sản phẩm được làm bằng đồng hoặc hợp kim đồng, trên bề mặt được tráng men trang trí để tăng giá trị thẩm mỹ.


Sản phẩm pháp lam của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thái Hưng sản xuất. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ở Việt Nam, kỹ nghệ này du nhập vào thời vua Minh Mạng (năm 1827), chỉ tồn tại trong giai đoạn ngắn, sau đó mai một dần.

Nghệ thuật này hiện còn lưu giữ trên các di tích ở Cố đô Huế trên các công trình kiến trúc ở các phường môn, cổ diềm mái điện, bầu hồ lô tại Hoàng thành, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, chùa Thiên Mụ...

Nhằm tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề thủ công độc đáo này, anh Đỗ Hữu Triết, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thái Hưng (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã dành gần 7 năm nghiên cứu và phục chế thành công sản phẩm này.

Hiện nay, Thái Hưng là đơn vị gần như duy nhất ở Việt Nam sản xuất sản phẩm mỹ nghệ pháp lam kiểu cung đình Huế với các dòng sản phẩm được ứng dụng trong mỹ nghệ và mỹ thuật, gồm các mặt hàng lưu niệm, tranh, trang trí nội thất các công trình với 4 loại hình họa pháp lam, pháp lam chạy chỉ, pháp lam chạm khảm, kính pháp lam...

Gần đây, một số nhóm nghiên cứu và sản xuất đồ pháp lam của Tiến sỹ Nguyễn Nhân Đức (doanh nghiệp Pháp lam Huế) cũng đã phục chế được các sản phẩm pháp lam để trùng tu các di tích cửa phường môn (cầu Trung Đạo, sau cửa Ngọ Môn), cửa Nhật Tinh và Nguyệt Anh (sau điện Thái Hòa), tháp Phước Duyên (chùa Thiên Mụ) và điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị).

Điển hình là việc trùng tu tháp Phước Duyên (chùa Thiên Mụ) - ngôi tháp có chiều cao 22,83m gồm bảy tầng tháp. Đặc biệt, trên tháp có 21 con giao ngũ sắc bằng pháp lam gắn vào đầu bờ quyết của tháp.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, chất lượng các con giao ngũ sắc được phục chế để trùng tu ở đây đạt chất lượng 85% so với hiện vật gốc.

Theo Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, pháp lam Huế được du nhập từ Trung Quốc, đều ở dưới dạng sản phẩm, không có công nghệ sản xuất hoàn chỉnh.

Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế hiện đang bảo quản và trưng bày 98 hiện vật pháp lam, bao gồm các vật dụng trong cung như bát, ly, khay, đĩa, bình hoa, chum, hộp, quả bồng, lư hương, bát hương, chậu đựng cành vàng lá ngọc.

Pháp lam còn được dùng để trang trí các đồ áng rồng, máy, bát bửu, hoa điểu, thơ văn chữ Hán... trên các công trình kiến trúc khác ở cố đô Huế.

Các tài liệu, thư tịch và hiện vật pháp lam ở bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, cũng như ở trên các công trình kiến trúc thời Nguyễn cho thấy, kỹ nghệ chế tác pháp lam được nghệ nhân Việt Nam tiếp thu, sáng tạo, làm nên những sản phẩm tuyệt mỹ, những hiện vật vô giá được trưng bày, quản lý cẩn thận ở Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình và trên các di tích khác ở Huế. Hiện vật pháp lam ở Huế thuộc loại hình pháp lam họa.

Do chỉ được sử dụng trong Hoàng cung Huế, nên thuật ngữ pháp lam Huế đã được dùng để gọi tên cho kỹ nghệ chế tác pháp lam ở Việt Nam vào thời Nguyễn.

Pháp lam Huế xuất hiện ở các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, giai đoạn phát triển ổn định của triều Nguyễn. Do đó, triều đình lo việc xây dựng kinh đô, lập đền miếu, trang trí tô điểm cho đời sống đế vương.

Để thực hiện công việc này, nhiều người đã được cử đi học nghề và kinh nghiệm ở Trung Quốc, đương thời là một quốc gia nổi tiếng về các nghề thủ công, mỹ nghệ. Do vậy, có thể một số đồ pháp lam đã được mua từ nước ngoài về, trước khi nghề làm pháp lam có mặt ở Huế.

Việc phục chế và sản xuất thành công pháp lam ở Huế hiện nay giúp cho việc trùng tu các công trình di tích được thuận lợi, các cơ sở sản xuất pháp lam ở Huế cũng là nơi đón nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục