Tạo ra sức mạnh tổng hợp để thu hút khách quốc tế, thúc đẩy du lịch phát triển
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái: Tạo ra sức mạnh tổng hợp để thu hút khách quốc tế, thúc đẩy du lịch phát triển
Hội nghị diễn ra với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái và Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn, có sự tham gia của lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc TCDL, đại diện Cục Hàng không Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đại diện Sở Du lịch các địa phương trọng điểm về du lịch như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh, thời gian qua, ngành Du lịch được đánh giá cao và có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP của đất nước. Trước nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Du lịch là đón ít nhất 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng tối thiểu 30% trong năm 2017, vừa qua, Bộ VHTTDL đã kiến nghị Chính phủ một số vấn đề cấp bách để tạo điều kiện cho ngành Du lịch thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ nay đến cuối năm.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, ngành Du lịch đang phải đối mặt với một số khó khăn, đặc biệt gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, tác động không nhỏ tới hoạt động du lịch. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, đòi hỏi các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương phải chung tay hành động, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng. Thứ trưởng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp du lịch cùng chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp đột phá để làm sao tăng số lượng khách quốc tế từ nay đến cuối năm cũng như những năm tiếp theo.
Đề xuất các giải pháp tăng cường thu hút khách và nâng cao quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành
Theo ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL), hoạt động lữ hành trong 9 tháng vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của ngành Du lịch là đón 9,45 triệu lượt, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016; khách du lịch nội địa đạt 57,9 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt 376.000 tỷ đồng, tăng 26,5%. Tính đến tháng 9/2017, cả nước có 1.780 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 19.829 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ, trong đó có 7.942 HDV nội địa và 11.887 HDV quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động lữ hành còn tồn tại một số vấn đề như: hiện tượng một số người nước ngoài kinh doanh lữ hành trái phép và làm hướng dẫn viên du lịch trái phép; hiện tượng doanh nghiệp lữ hành cạnh tranh không lành mạnh; tính liên kết yếu; tình trạng thiếu hướng dẫn viên tại một số điểm đến; tình trạng giả mạo hồ sơ giấy tờ để được cấp thẻ hướng dẫn viên…
Toàn cảnh hội nghị
Để duy trì tốc độ phát triển thị trường khách quốc tế, đạt mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đã giao, đồng thời tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, Tổng cục Du lịch đề ra 8 giải pháp chủ yếu gồm có: (1) Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của ngành du lịch trong phát triển kinh tế, xã hội; (2) Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch; (3) Tiếp tục thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn viên; (4) Đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý điểm đến và phát triển sản phẩm; (5) Nâng cao vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp du lịch; (6) Phối hợp liên ngành trong quản lý lữ hành, hướng dẫn du lịch; (7) Triển khai tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch 2017; (8) Phát triển đội ngũ hướng dẫn viên.
Đồng thời, Bộ VHTTDL cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các hãng hàng không, cảng hàng không tạo điều kiện thuận lợi tăng cường kết nối cho các chuyến bay thẳng đưa khách quốc tế đến Việt Nam; có chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở các đường bay mới kết nối thị trường quốc tế với Việt Nam; Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tập trung quản lý điểm đến, bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm phục vụ khách; xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, ứng xử tốt với khách du lịch; Tận dụng cơ hội của Năm APEC Việt Nam 2017 để tăng cường xúc tiến quảng bá tại chỗ; Đồng thời tiếp tục xem xét mở rộng diện các quốc gia được miễn thị thực đơn phương và diện cấp thị thực điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam du lịch.
Xác định chỉ tiêu tăng trưởng khách trong năm 2017 là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề đối với toàn ngành Du lịch, các doanh nghiệp du lịch và đại diện lãnh đạo ngành Du lịch các địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp và chia sẻ kinh nghiệm thực tế nhằm góp phần đẩy mạnh lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian trước mắt và lâu dài.
Ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho rằng, để thu hút khách trong thời gian ngắn cần tập trung xúc tiến một số điểm đến quan trọng và sản phẩm du lịch nổi bật, có tính cạnh tranh cao so với các điểm đến trong khu vực. Ông Tài cũng đề xuất nên hướng vào Phú Quốc bởi điểm đến này đang có thuận lợi từ cơ chế đặc thù, còn tiềm năng thu hút nhiều khách du lịch. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là điểm đến của nhiều khách thương mại, ngoại giao, do đó cần tận dụng cơ hội từ các sự kiện lớn, mà gần nhất là Tuần lễ cấp cao APEC tại Việt Nam vào tháng 11 tới để khai thác hiệu quả hơn nguồn khách này. Ngoài ra, ông Tài cũng đề xuất để công tác quảng bá du lịch nhanh và hiệu quả hơn nên khai thác mạnh hơn các kênh online.
Về chính sách visa, các doanh nghiệp đều cho rằng cần có chính sách ổn định và lâu dài để doanh nghiệp có đủ thời gian lập kế hoạch thu hút khách, cụ thể với chính sách miễn visa cho 5 nước Tây Âu, cần kéo dài thời hạn miễn visa cũng như thời gian lưu trú cho khách. Đồng thời, cần xem xét mở rộng diện miễn visa đơn phương và diện áp dụng cấp visa điện tử đối với một số thị trường trọng điểm khác để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách quốc tế đến Việt Nam.
Việc mở rộng các đường bay thẳng đến các thị trường quốc tế tiềm năng và tạo điều kiện cho các chuyến bay charter đến các địa phương còn dư địa để thu hút khách du lịch cũng được đánh giá là rất quan trọng. Một kinh nghiệm tốt về vấn đề này được nêu ra tại Hội nghị là thành phố Hải Phòng. Theo lãnh đạo Sở Du lịch Hải Phòng, nhằm thu hút đầu tư đặc biệt vào lĩnh vực hàng không và du lịch, Thành phố đã có các chính sách ưu đãi về tài chính cho những hãng hàng không mở đường bay quốc tế và nội địa đến sân bay Cát Bi. Bên cạnh đó, Thành phố cũng hỗ trợ thu hút khách du lịch tàu biển qua cảng Hải Phòng; hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến với Thành phố; hỗ trợ các điểm mua sắm phục vụ khách.
Quan tâm tới việc liên kết giữa du lịch và thương mại, bà Nguyễn Thị Vân Anh – Tổng Giám đốc Công ty HanoiRedtours cho rằng cần thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch và các khu mua sắm để có thể đưa các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đến được với du khách, qua đó cũng nâng cao chi tiêu của khách tại Việt Nam. Quan tâm tới việc nâng cao chất lượng đội ngũ phục vụ tại các điểm mua sắm này và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Bà Vân Anh cũng đề nghị ngành Du lịch nên quan tâm khai thác các thị trường lớn còn nhiều tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông bên cạnh các thị trường truyền thống.
Hội nghị cũng thu hút nhiều ý kiến thiết thực của các doanh nghiệp và địa phương về các giải pháp thu hút khách trên địa bàn, quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, việc mở các đường bay thẳng từ các thị trường trọng điểm tới Việt Nam, hoạt động đón khách Trung Quốc đường bộ vào Việt Nam, nâng cao chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú, mở rộng các sản phẩm du lịch mới,…
Cần có sự chung tay nỗ lực của tất cả các cấp, ngành, các địa phương, doanh nghiệp để thúc đẩy du lịch tăng trưởng
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, để đạt được mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao, ngành Du lịch cần có sự chung tay phối hợp của các địa phương, doanh nghiệp và các bộ ngành liên quan. Tổng cục trưởng đề nghị các doanh nghiệp lữ hành cần tích cực và chủ động hơn nữa trong việc tham gia vào các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở trong nước và quốc tế; quyết liệt đấu tranh với các hành vi tiêu cực và kịp thời đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý; bên cạnh đó, phối hợp với các điểm đến xây dựng các gói khuyến mại, giảm giá, tăng cường thu hút khách. Đối với các cơ sở lưu trú, cần tăng cường kiểm soát dịch vụ, tăng cường đào tạo kỹ năng nghề đồng thời phối hợp với các công ty lữ hành nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại hội nghị
Đối với các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương, tập trung chấn chỉnh các hoạt động du lịch, duy trì an ninh, an toàn tại điểm đến; tăng cường các điểm mua sắm; chủ động quản lý và có định hướng đào tạo hướng dẫn viên; có chính sách thu hút đầu tư; giải quyết các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp và khách du lịch; phối hợp tổ chức đón các đoàn FAM đến tham quan, khảo sát. Tổng cục trưởng đặc biệt nhấn mạnh các địa phương trọng điểm về du lịch, điển hình là Đà Nẵng hiện đang thu hút một lượng lớn khách Trung Quốc, Hàn Quốc cần có cách ứng xử phù hợp và các biện pháp linh hoạt để vừa tăng cường thu hút khách du lịch đồng thời đảm bảo môi trường du lịch tại điểm đến. Tổng cục trưởng cho biết, Đông Bắc Á là thị trường nguồn khách quan trọng của du lịch Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc dự kiến sẽ đạt khoảng 4 triệu lượt và 2 triệu lượt khách đến Việt Nam trong năm 2017. Mặc dù, lượng khách từ hai thị trường này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam song còn rất nhỏ so với lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc đi du lịch nước ngoài, như đến Thái Lan, Nhật Bản…
Đề nghị Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp giấy phép mở đường bay mới, các chuyến bay thương mại cũng như đường bay charter đến Việt Nam. Đối với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cần phối hợp với TCDL và các địa phương có giải pháp quản lý hướng dẫn viên trong cả nước.
Với vai trò là cơ quan thường trực xử lý vấn đề liên quan tới hoạt động du lịch, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương và doanh nghiệp du lịch trong các hoạt động của ngành; tham mưu triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật Du lịch 2017; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương và doanh nghiệp tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến để đạt hiệu quả cao nhất.
Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết và thiết thực của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị cần duy trì việc tổ chức Hội nghị này để kịp thời lắng nghe ý kiến của các địa phương và doanh nghiệp, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn trong quản lý và kinh doanh. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, cần có sự tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và du khách nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để du lịch phát triển. Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp sau hội nghị này chung tay nỗ lực hành động để mang lại hiệu quả cụ thể cho mục tiêu tăng trưởng khách. Đồng thời, yêu cầu ngành Du lịch cần có hình thức tôn vinh, biểu dương kịp thời đối với những doanh nghiệp du lịch có những đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng du lịch trong thời gian tới.
Thanh Tâm